Hiệp định CPTPP là gì? Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP bị từ chối khi nào?
Hiệp định CPTPP là gì?
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 72/2018/QH14 có quy định như sau:
Phê chuẩn điều ước quốc tế
Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Cộng hòa Chi-lê. Toàn văn Hiệp định CPTPP ghi tại Phụ lục 01 kèm theo Nghị quyết này.
Theo đó, Hiệp định CPTPP (hay còn gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Cộng hòa Chi-lê.
CPTPP hiện nay bao gồm 11 thành viên ký kết là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Hiệp định CPTPP là gì? (Hình từ Internet)
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP bị từ chối khi nào?
Căn cứ hướng dẫn tại Mục 3 Công văn 6372/TCHQ-GSQL năm 2023 như sau:
3. Thủ tục từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP:
Trường hợp cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là không hợp lệ thì thực hiện thủ tục từ chối ngay tại thời điểm thông quan.
Trường hợp cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở từ chối ngay tại thời điểm thông quan thì thực hiện thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 33/2023/TT-BTC. Sau khi nhận được kết quả xác minh nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ háng hoá không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thì Tổng cục Hải quan thông báo cho người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo. Nếu các thông tin cung cấp không phù hợp thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 15 Thông tư 33/2023/TT-BTC có quy định về từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
Kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
...
4. Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
...
Riêng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP thì việc từ chối được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản này.
...
c) Đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, trước khi ra quyết định từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thông báo nội dung kết quả xác minh cho người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cung cấp thông tin xác minh. Người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo;
...
Theo các quy định trên thì chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP có thể bị từ chối nếu cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa là không hợp lệ và việc từ chối này được thực hiện ngay tại thời điểm thông quan.
Trường hợp cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở từ chối ngay tại thời điểm thông quan thì thực hiện thủ tục xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 19 Thông tư 33/2023/TT-BTC.
Sau khi nhận được kết quả xác minh nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ háng hoá không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thì Tổng cục Hải quan thông báo cho người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp, bổ sung thêm thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong thời gian tối đa 90 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi thông báo. Nếu các thông tin cung cấp không phù hợp thì thực hiện thủ tục từ chối theo quy định.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP phải có đủ các thông tin tối thiểu nào?
Theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư 33/2023/TT-BTC thì chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP phải có đủ các thông tin tối thiểu sau:
(1) Người xuất khẩu hoặc người sản xuất: nêu rõ người chứng nhận là người xuất khẩu hay người sản xuất;
(2) Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận;
(3) Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận;
Thông tin này không bắt buộc nếu người sản xuất cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và không biết thông tin người xuất khẩu. Địa chỉ của người xuất khẩu là nơi xuất khẩu hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;
(4) Tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc nếu có nhiều hơn một người sản xuất thì ghi “Various” ("Nhiều người sản xuất”) hoặc cung cấp một danh sách người sản xuất.
Nếu thông tin cần phải giữ bí mật có thể ghi “Available upon request by the importing authorities” (“Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu”). Địa chỉ của người sản xuất là nơi sản xuất của hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;
(5) Tên, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có thông tin về người nhập khẩu). Địa chỉ của người nhập khẩu phải thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;
(6) Mô tả và mã số HS của hàng hóa;
Ghi rõ mô tả hàng hóa và mã số hàng hóa ở cấp độ 6 chữ số của hàng hóa: Mô tả phải phù hợp với hàng hóa được chứng nhận xuất xứ. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sử dụng cho một lô hàng nhập khẩu thì phải nêu rõ số hóa đơn liên quan đến việc xuất khẩu (nếu biết);
(7) Tiêu chí xuất xứ: Nêu cụ thể tiêu chí xuất xứ mà hàng hóa đáp ứng;
(8) Thời hạn (Blanket Period)
Trong trường hợp sử dụng một chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nhiều lô hàng giống hệt thì trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thể hiện thời gian áp dụng nhưng không quá 12 tháng;
(9) Ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền:
Chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được người chứng nhận ký, ghi ngày tháng năm và kèm theo xác nhận: Tôi xác nhận rằng hàng hóa được mô tả trong tài liệu này thỏa mãn điều kiện có xuất xứ và các thông tin có trong tài liệu này là chính xác và đúng sự thật. Tôi chịu trách nhiệm chứng minh khai báo này và đồng ý lưu trữ, xuất trình các tài liệu chứng minh cho việc chứng nhận này theo yêu cầu hoặc trong quá trình xác minh tại trụ sở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?