Hành vi sử dụng bản ghi hình đã được công bố mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền liên quan xử phạt như thế nào?

Nhân dịp mấy ngày nghỉ lễ, gia đình tôi có đi du lịch trong khu du lịch sinh thái. Họ có buổi tổ chức cho khách du lịch xem một số clip ghi hình của gameshow đã được công bố trên kênh Youtube của nghệ sĩ và thu tiền vé xem, tôi có thắc mắc không biết họ sử dụng những đoạn clip này có trả tiền, hay xin phép chủ sở hữu gì chưa. Tôi muốn xin được tư vấn, nếu họ sử dụng bản ghi hình này mà chưa trả tiền cho chủ sở hữu thì bị xử phạt như thế nào?

Thế nào là bản ghi hình đã được công bố?

Căn cứ theo khoản 9 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) như sau:

Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng bản sao dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý.

Bản ghi âm, ghi hình được xem là các đối tượng của quyền liên quan theo khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009).

"3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa."

Trước đây, căn cứ theo khoản 9 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009), quy định tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.

Các đối tượng liên quan được bảo hộ?

Theo quy định tại Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, về các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ, cụ thể như sau:

- Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

+ Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;

+ Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật này;

+ Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

+ Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bản ghi hình

- Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;

+ Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;

+ Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá chỉ được bảo hộ theo quy định trên với điều kiện không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

Mức xử phạt đối vi hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình?

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 131/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, bản ghi hình như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định trên.

Lưu ý: Khung phạt tiền theo quy định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại?

Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, quy định cụ thể mức phạt với hành vi sử dụng bản ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, bản ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng, siêu thị mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;

+ Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo quy định.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với hành vi quy định trên.

Lưu ý: Khung phạt tiền theo quy định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, với hành vi phát các bản ghi hình của khu du lịch nhằm mục đích thương mại nếu không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định, khu du lịch là tổ chức có thể sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bản ghi hình
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Hành vi sử dụng bản ghi hình đã được công bố mà không trả tiền cho chủ sở hữu quyền liên quan xử phạt như thế nào?
Pháp luật
Sử dụng bản ghi hình đã công bố trong nhà hàng nhằm thu hút khách hàng thì có cần phải trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì bị xử lý như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bản ghi hình
2,152 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Bản ghi hình

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Bản ghi hình

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào