Hành vi nhờ người khác thi hộ sẽ bị xử lý thế nào? Cá nhân thi hộ cho người khác có bị xử phạt hay không?
Sinh viên đại học có được phép nhờ người khác thi hộ không?
Nhờ người khác thi hộ (Hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Luật Giáo dục đại học 2012, các hành vi sau đây người học không được làm:
Các hành vi người học không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
3. Tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
4. Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 6 Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT về Quy chế học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy quy định:
Các hành vi HSSV không được làm
...
2. Gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khoá luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác.
Như vậy, hành vi nhờ người khác thi hộ là một trong những hành vi vi phạm pháp luật giáo dục.
Hành vi nhờ người khác thi hộ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT về Quy chế học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy quy định hình thức kỷ luật với học sinh sinh viên vi phạm như sau
Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm
1. Những HSSV có hành vi vi phạm thì tuỳ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách: áp dụng đối với HSSV có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;
b) Cảnh cáo: áp dụng đối với HSSV đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;
c) Đình chỉ học tập 1 năm học: áp dụng đối với những HSSV đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi HSSV không được làm;
d) Buộc thôi học: áp dụng đối với HSSV đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù (kể cả trường hợp bị xử phạt tù được hưởng án treo).
2. Hình thức kỷ luật của HSSV phải được ghi vào hồ sơ HSSV. Trường hợp HSSV bị kỷ luật mức đình chỉ học tập 1 năm học và buộc thôi học, nhà trường cần gửi thông báo cho địa phương và gia đình HSSV biết để quản lý, giáo dục.
3. Nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định Phụ lục kèm theo Quy chế này.
Theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật đối với hành vi nhờ người khác thi hộ của sinh viên đại học với khung xử lý vi phạm như sau:
- Vi phạm lần 1: Đình chỉ có thời hạn
- Vi phạm lần 2: Buộc thôi học
Cá nhân thi hộ cho người khác có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định về thi như sau:
Vi phạm quy định về thi
1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.
2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
4. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi làm mất bài thi của thí sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;
c) Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, trường hợp cá nhân thi hộ cho người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?
- Kinh doanh là gì? Có thể hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh hay không?
- Đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nước thải sinh hoạt thì có thuộc đối tượng phải đóng phí bảo vệ môi trường?
- Thông qua Nghị quyết giảm thuế GTGT 06 tháng đầu năm 2025 ngay trong tháng 11/2024 đúng không? Công văn 12477 lập đề nghị giảm thuế GTGT thế nào?
- Mức tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là bao nhiêu? Trường hợp nào tính tiền chậm nộp vi phạm hành chính?