Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những hàng hóa nào? Những hành vi nào liên quan đến hàng hóa giả mạo về SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính?
- Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những hàng hóa nào?
- Những hành vi nào liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính?
- Biện pháp tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ được áp dụng trong trường hợp nào?
- Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện gì?
Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những hàng hóa nào?
Căn cứ Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu, cụ thể:
(1) Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
(2) Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó.
Việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 45 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
(3) Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những hàng hóa nào? (Hình từ Internet)
Những hành vi nào liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính?
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) như sau:
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Như vậy, theo quy định, hành vi liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Biện pháp tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ được áp dụng trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 32 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định, biện pháp tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
(1) Trong trường hợp cấp thiết để bảo đảm chứng cứ không bị tiêu huỷ, tẩu tán, thay đổi hiện trạng hoặc ngăn ngừa khả năng dẫn đến hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ tiếp theo.
(2) Tổ chức, cá nhân xâm phạm về sở hữu trí tuệ không có khả năng, điều kiện để loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá hoặc không thực hiện các biện pháp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm.
(3) Hàng hoá không xác định được nguồn gốc, chủ hàng nhưng có đủ căn cứ để xác định hàng hoá đó là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.
Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định, việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Hàng hoá có giá trị sử dụng;
(2) Yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hoá;
(3) Việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội;
(4) Người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?