Giá điện tăng 4,8% thì giá điện sinh hoạt mỗi tháng tăng thêm bao nhiêu? Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân?
Giá điện tăng 4,8% thì giá điện sinh hoạt mỗi tháng tăng thêm bao nhiêu?
Theo Quyết định 2941/QĐ-BCT năm 2023 thì trước đây giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Từ ngày 11/10 năm nay sẽ áp dụng giá bán điện mới, mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (giá điện tăng 4,8%) theo quyết định của Bộ Công thương.
>>> Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Với mức giá điện hiện tại thì giá điện sinh hoạt mỗi tháng của hộ gia đình sẽ tăng tương ứng như sau:
- Hộ sử dụng dưới 50 kWh: Tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
- Hộ sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh: Tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.
- Hộ sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh: Tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
- Hộ sử dụng từ 201 kWh - 300 kWh: Tăng khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
- Hộ sử dụng từ 301 kWh - 400 kWh: Tăng khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.
- Hộ sử dụng trên 400 kWh: Tăng khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
* Công thức tính:
Tiền điện trả thêm = Số kWh tiêu thụ hàng tháng x Mức chênh lệch giá điện.
Giá điện tăng 4,8% thì giá điện sinh hoạt mỗi tháng tăng thêm bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Việc điều chỉnh giá điện bình quân phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Theo Điều 3 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg thì nguyên tắc điều chỉnh giá điện bình quân bao gồm các nguyên tắc sau:
(1) Hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
(2) Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
(3) Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
(4) Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
(5) Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
(6) Giá bán điện bình quân được tính toán theo quy định tại Điều 4 Quyết định này.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại mục (5) và mục (6).
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(7) Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Cần điều chỉnh tăng giá điện bình quân dưới 5% thì Tập đoàn Điện lực cần báo cáo Bộ Công Thương trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg có quy định như sau:
Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm
1. Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm N do Bộ Công Thương ban hành, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 theo quy định tại Điều 7 Quyết định này, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm N-1 (trong trường hợp chưa có kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-1), trước ngày 25 tháng 01 năm N Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán giá bán điện bình quân theo công thức quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này và thực hiện yêu cầu về hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.
b) Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.
...
Như vậy, trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí NSNN để mua sắm tài sản trang thiết bị mới nhất?
- Danh sách kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2024 chính thức? Xem toàn bộ danh sách ở đâu?
- Loại gỗ nào thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu? Ai có thẩm quyền cho phép xuất khẩu loại gỗ này?
- Thưởng cuối năm là gì? Công ty phải thưởng cuối năm cho nhân viên? Tiền thưởng cuối năm có đóng thuế TNCN?
- Báo cáo kế hoạch đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công là gì? Thời hạn gửi báo cáo trung hạn vốn NSNN?