Đối tượng người lao động nước ngoài nào cần tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam? Điều kiện hưởng chế độ ốm đau của lao động nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Đối tượng người lao động nước ngoài nào cần tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời chiếu theo Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng lao động là người nước ngoài cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, các đối tượng sau cần phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí sau:
Thứ nhất, người lao động có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Thứ hai, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Các trường hợp ngoại lệ bao gồm:
– Trường hợp 1: Lao động là người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp gồm các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP:
Người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tình nguyện viên, chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật
1. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
2. Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;
b) Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức;
b) Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
5. Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.
– Trường hợp 2: Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019:
Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau của lao động nước ngoài tại Việt Nam (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau của lao động nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau của lao động nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP:
Chế độ ốm đau
1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội.
Như vậy, để được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật, lao động nước ngoài cần đáp ứng một trong các điều kiện sau:
– Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
– Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
– Lao động nữ là người nước ngoài đi làm trước khi hết thời hạn sinh con mà thuộc một trong 02 trường hợp kể trên.
Các trường hợp không được giải quyết chế độ ốm đau bao gồm:
– Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
– Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời gian hưởng chế độ con ốm đau của lao động nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh ra sao?
Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau
1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, ngoài điều kiện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật, thời gian hưởng chế độ chăm con ốm còn phụ thuộc vào độ tuổi của con và quy định này được áp dụng trên mỗi con.
Trong trường hợp của vợ anh, con anh mới 2 tuổi nên vợ anh sẽ được nghỉ chăm con ốm tối đa là 20 ngày làm việc không kể lễ, tết và ngày cuối tuần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Máy điều hòa có phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Thuế suất thuế TTĐB của máy điều hòa là bao nhiêu?
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?