Đối tượng nào được sử dụng thẻ ngân hàng? Khi sử dụng thẻ ngân hàng cần chú ý những nguyên tắc nào? Xử lý như thế nào khi lộ thông tin thẻ?
Thẻ ngân hàng là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, quy định thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các Điều kiện và Điều Khoản được các bên thỏa thuận.
Ngoài ra, Điều 3 còn giải thích các loại thẻ ngân hàng như :
- Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài Khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.
- Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
- Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.
Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT)?
Căn cứ tại Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-NHNN (được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), tổ chức phát hành thẻ ngân hàng được quy định như sau:
- Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành thẻ khi hoạt động cung ứng dịch vụ thẻ được ghi trong Giấy phép hoặc Giấy phép bổ sung, sửa đổi (nếu có) do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Ngân hàng chính sách phát hành thẻ theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
- Công ty tài chính chỉ được phát hành thẻ tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Công ty tài chính bao thanh toán không được phát hành thẻ.
- Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối được ký kết văn bản thỏa thuận với tổ chức thẻ quốc tế để phát hành thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp.
- TCPHT phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27b Thông tư này. TCPHT trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối tượng nào được sử dụng thẻ ngân hàng?
Đối tượng nào được sử dụng thẻ ngân hàng?
Căn cứ tại Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN (được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN), quy định về đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng, bao gồm:
- Đối với chủ thẻ chính là cá nhân:
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;
+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.(được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN)
- Đối với chủ thẻ chính là tổ chức: Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh. Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).
- Đối với chủ thẻ phụ:
Chủ thẻ phụ được sử dụng thẻ theo chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính nhưng chỉ trong phạm vi quy định sau đây:
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;
+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;(được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN).
+ Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN).
- Trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Nguyên tắc sử dụng thẻ ngân hàng?
Căn cứ tại Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN (được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022):
- Chủ thẻ phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của TCPHT khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).
- Khi sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi, chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho TCPHT các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã giao kết với TCPHT.(được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)
- Phạm vi sử dụng thẻ: (được bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).
+ Thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh được sử dụng để thực hiện các giao dịch thẻ theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với TCPHT;
+ Thẻ tín dụng được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với TCPHT; không được sử dụng thẻ tín dụng để chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN).
+ Thẻ trả trước vô danh chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán trên lãnh thổ Việt Nam; không được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ trên môi trường Internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động và không được rút tiền mặt. Việc nạp tiền vào thẻ trả trước vô danh phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này; (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN).
+ Thẻ phụ phát hành cho chủ thẻ phụ dưới 15 tuổi không được rút tiền mặt và chỉ được sử dụng để thanh toán đúng Mục đích đã xác định theo thỏa thuận bằng văn bản giữa TCPHT và chủ thẻ chính.
- Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh phát hành bằng phương thức điện tử không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10a Thông tư này.
Xử lý như thế nào khi lộ thông tin thẻ ngân hàng?
Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, quy định về xử lý trong trường hợp lộ thông tin thẻ ngân hàng như sau:
"Điều 19. Xử lý trong trường hợp mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ
1. Khi mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ, chủ thẻ phải thông báo ngay cho TCPHT.
2. Khi nhận được thông báo của chủ thẻ, TCPHT phải thực hiện ngay việc khóa thẻ và phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời thông báo lại cho chủ thẻ. Thời hạn TCPHT hoàn thành việc xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ không quá 05 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc 10 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ.
3. Trong trường hợp thẻ bị lợi dụng, gây ra thiệt hại, TCPHT và chủ thẻ phân định trách nhiệm và thương lượng cách xử lý hậu quả. Trường hợp hai bên không thống nhất thì việc xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?
- Mẫu Quyết định công nhận chi bộ trong sạch vững mạnh? Đơn vị có bao nhiêu đảng viên thì được lập chi bộ thuộc đảng ủy cơ sở?
- Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể đảng đoàn, ban cán sự đảng mới nhất? Nội dung báo cáo kiểm điểm tập thể đảng đoàn, ban cán sự đảng?
- Thời điểm tính thuế tự vệ là ngày đăng ký tờ khai hải quan đúng không? Số tiền thuế tự vệ nộp thừa được xử lý như thế nào?
- Giảm giá đến 100% trong Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday?