Doanh nghiệp có được lấy lại kinh phí công đoàn đã đóng? Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thì bị xử phạt tối đa bao nhiêu?
- Doanh nghiệp có thể lấy lại 65% kinh phí công đoàn đã đóng cho người lao động không?
- Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thì bị xử phạt tối đa bao nhiêu?
- Mức đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động là bao nhiêu và doanh nghiệp phải đóng vào thời điểm nào?
Doanh nghiệp có thể lấy lại 65% kinh phí công đoàn đã đóng cho người lao động không?
Căn cứ theo Điều 5 Quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở Ban hành kèm theo Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 như sau:
Nguồn tài chính công đoàn cơ sở được sử dụng và phân bổ cho các khoản mục chi
1. Công đoàn cơ sở được sử dụng 75% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
2. Phân bổ nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi sau:
2.1. Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn tối đa 45% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ.
2.2. Chi thăm hỏi đoàn viên công đoàn tối thiểu 40% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
2.3. Chi khác tối đa 15% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
3. Phân bổ nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi sau:
3.1. Chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đoàn viên và người lao động tối thiểu 60% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Tại những đơn vị có quan hệ lao động phức tạp, công đoàn cơ sở dành tối thiểu 25% nguồn kinh phí của mục chi này để dự phòng cho hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động; sau 2 năm liền kề không sử dụng có thể chuyển sang chi cho các nội dung thuộc mục chi này.
3.2. Chi tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động tối đa 25% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
3.3. Chi quản lý hành chính tối đa 15% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
4. Các nội dung được quy định tỷ lệ chi tối đa nếu không chi hết bổ sung cho các nội dung chi có tỷ lệ tối thiểu (Mục 2.1, 2.3, 3.2, 3.3 nếu chi không hết được chi bổ sung cho mục 2.2, 3.1).
5. Nguồn thu khác: công đoàn cơ sở quyết định việc phân bổ cho các khoản mục chi, mức chi và đối tượng công đoàn cơ sở được phép bổ sung ngoài các đối tượng đã được quy định theo Điều 6 của Quyết định này.
Theo đó, công đoàn cơ sở được sử dụng 75% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn mà không có quy định lấy lại 65% kinh phí công đoàn đã đóng.
Việc phân bổ nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi cụ thể nêu trên.
Không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thì bị xử phạt tối đa bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thì bị xử phạt tối đa bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn như sau:
Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn
...
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Theo đó, doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì bị phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Đồng thời, chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Mức đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động là bao nhiêu và doanh nghiệp phải đóng vào thời điểm nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn như sau:
Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.
Theo đó, mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về phương thức đóng kinh phí công đoàn như sau:
Phương thức đóng kinh phí công đoàn
...
2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
....
Theo đó, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?