Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải bồi thường cho tổn thất do đình công của người lao động trong hoạt động xây dựng không?
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?
- Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải bồi thường cho tổn thất phát sinh do đình công của người lao động trong hoạt động xây dựng không?
- Nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm bắt buộc thì giải quyết như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
(1) Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm
- Từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng cho các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư này nếu các đối tượng đó không đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Luật Xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
- Đánh giá rủi ro được bảo hiểm.
- Thu phí bảo hiểm đầy đủ theo thời hạn và phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; điều chỉnh phí bảo hiểm trong trường hợp có sự thay đổi rủi ro được bảo hiểm theo quy định tại Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Yêu cầu bên mua bảo hiểm: Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn lao động.
- Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
- Bán bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Giải thích, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
- Trả tiền bồi thường bảo hiểm đầy đủ, kịp thời cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
- Thực hiện chế độ tài chính theo quy định tại Điều 35 Thông tư này.
- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 36 Thông tư này.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Thông tư này và các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thỏa thuận với bên mua bảo hiểm và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này và các loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác (nếu có) thuộc các tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP và phù hợp với quy định pháp luật.
Bồi thường tổn thất phát sinh do đình công của người lao động trong hoạt động xây dựng
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phải bồi thường cho tổn thất phát sinh do đình công của người lao động trong hoạt động xây dựng không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
"Điều 5. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
1. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:
a) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý, như:
- Tổn thất phát sinh do bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch.
- Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).
- Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng).
- Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm, tư vấn sử dụng các chất amiăng hoặc các nguyên liệu có chứa chất amiăng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng). [...]"
Như vậy, tổn thất phát sinh do đình công được xem là tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất phát sinh do đình công của người lao động trong hoạt động xây dựng.
Nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm bắt buộc thì giải quyết như thế nào?
Theo Điều 10 Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định về giải quyết tranh chấp như sau:
- Tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng trước hết được giải quyết trên cơ sở thương lượng. Nếu hai bên không giải quyết được bằng thương lượng, tranh chấp sẽ được đưa ra trọng tài (nếu hai bên có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm) hoặc tòa án theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thời hiệu khởi kiện các tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là ba (03) năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?
- 1 năm có bao nhiêu tuần học? Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024 2025 của các địa phương ra sao?
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?