Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì? Học ngành kiến trúc có được xin cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng không?
Ai được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng?
Theo Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về chứng chỉ hành nghề xây dựng như sau:
(1) Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
(2) Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng hoặc ở nước ngoài nhưng thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng tại Việt Nam thì giấy phép năng lực hành nghề phải được hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận hành nghề. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 64 Nghị định này.
(3) Cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định này khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:
- Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;
- Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;
- Các hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
(4) Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập, không được đảm nhận chức danh theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
(5) Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực 05 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp Điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.
Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.
(6) Chứng chỉ hành nghề có quy cách và nội dung chủ yếu theo Mẫu số 06 Phụ lục IV Nghị định này.
(7) Chứng chỉ hành nghề được quản lý thông qua số chứng chỉ hành nghề, bao gồm 02 nhóm ký hiệu, được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), quy định như sau:
- Nhóm thứ nhất: Có 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định cụ thể tại Phụ lục VIII Nghị định này;
- Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ hành nghề.
(8) Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề; quản lý cấp mã số chứng chỉ hành nghề; công khai danh sách cá nhân được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử.
Tải về mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mới nhất 2023: Tại Đây
Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì?
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp trong trường hợp nào?
Tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, điều chỉnh hạng chứng chỉ hành nghề;
- Gia hạn chứng chỉ hành nghề;
- Điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ;
- Cấp lại chứng chỉ hành nghề do chứng chỉ hành nghề cũ còn thời hạn nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin;
- Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định này.
Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì?
Căn cứ Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
+ Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
+ Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
+ Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
- Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Học ngành kiến trúc có được xin cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng không?
Theo khoản 2 Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng như sau:
"2. Thiết kế quy hoạch xây dựng: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông.”
*Chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng
Căn cứ Điều 69 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng như sau:
Cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định này và điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
- Hạng I: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng của lĩnh vực chuyên môn ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng (trong đó ít nhất 01 đồ án là quy hoạch xây dựng vùng liên huyện hoặc quy hoạch xây dựng vùng huyện hoặc quy hoạch chung) thuộc thẩm quyền và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
- Hạng II: Đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng của lĩnh vực chuyên môn ít nhất 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
- Hạng III: Đã tham gia lập thiết kế quy hoạch xây dựng của lĩnh vực chuyên môn ít nhất trong 01 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc 02 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền và đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Như vậy, anh đang được đào tạo chuyên ngành kiến trúc thì đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn khi xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, anh cũng cần tham khảo thêm các quy định pháp luật về các trường hợp, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?
- Điều kiện kinh doanh thiết bị y tế loại A là gì? Thiết bị y tế được phân loại theo quy định hiện nay thế nào?
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?