Đi xe máy không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông có bị xử phạt không? Trường hợp vừa có tín hiệu đèn giao thông vừa có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì phải ưu tiên thực hiện như thế nào?
Hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ được quy định như thế nào?
Theo Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
(1) Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
(2) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
- Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
- Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
(3) Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
(4) Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
- Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
- Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
- Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
- Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
- Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
(5) Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
(6) Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
(7) Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.
(8) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.
Như vậy, hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ được quy định gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông có bị phạt?
Đi xe máy không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông có bị xử phạt không?
Theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
“4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;
b) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;
c) Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 3 Điều này;
d) Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;
e) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.”
Ngoài ra, điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình phạt bổ sung trong trường hợp không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông như sau:
“10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;[...]”
Như vậy, đi xe máy không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông sẽ bị xử phạt và mức phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Trường hợp vừa có tín hiệu đèn giao thông vừa có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì nên ưu tiên thực hiện như thế nào?
Theo Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau:
"Điều 4. Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu
4.1. Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
4.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
4.1.2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
4.1.3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
4.1.4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
4.2. Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường."
Do đó, trường hợp vừa có tín hiệu đèn giao thông vừa có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì thứ tự ưu tiên thực hiện như sau: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu; hiệu lệnh của biển báo hiệu; hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ghi mẫu 02B Bản kiểm điểm đảng viên phần phương hướng biện pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm Đảng viên thế nào?
- Thời gian đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK? Nhà đầu tư đặt lệnh MTL, đặt lệnh MOK và đặt lệnh MAK phải nắm rõ điều gì?
- Điều kiện kinh doanh thiết bị y tế loại A là gì? Thiết bị y tế được phân loại theo quy định hiện nay thế nào?
- Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội mới nhất hiện nay là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Cách viết Biên bản họp đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Các bước đánh giá chất lượng Đảng viên như thế nào?