Đề nghị giao kết hợp đồng là gì? Có được rút lại đề nghị giao kết hợp đồng đã gửi hay không? Im lặng trong giao kết hợp đồng có được xem là đồng ý không?
Đề nghị giao kết hợp đồng là gì?
Theo Điều 386 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đề nghị giao kết hợp đồng. Cụ thể như sau:
Đề nghị giao kết hợp đồng
1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).
2. Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.
Như vậy, đề nghị giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên giao kết thể hiện ý chí, nguyện vọng với nhau, thông qua các nguyên tắc, trình tự theo quy định của pháp luật. Từ đó xác lập các quyền và nghĩa vụ dân sự.
Cụ thể, người đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này. Người này sẽ thể hiện mong muốn của mình trước thông qua các đề xuất (có thể được hiểu là dự thảo hợp đồng ban đầu) chứa đựng các nội dung như đối tượng, giá cả, phương thức/ thời hạn thanh toán…
Sau khi đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng, người đề nghị phải chịu trách nhiệm với những nội dung mà mình đưa ra.
Im lặng trong giao kết hợp đồng có được xem là đồng ý không? (Hình từ Internet)
Có được rút lại đề nghị giao kết hợp đồng đã gửi hay không?
Nội dung thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng được ghi nhận tại Điều 389 Bộ luật Dân sự 2015:
Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng
1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:
a) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.
Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 390 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Như vậy, bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong 02 trường hợp sau đây:
- Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
- Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Đồng thời, bên đề nghị giao kết hợp đồng cũng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Sự im lặng có mặc nhiên được xem là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không?
Căn cứ vào Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
2. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Như vậy, từ quy định trên thì sự im lặng của bên được đề nghị không được mặc nhiên coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Khi giữa các bên tồn tại thỏa thuận xem sự im lặng của bên nhận đề nghị giao kết là chấp nhận toàn bộ lời đề nghị;
+ Theo thói quen được thiết lập lặp đi lặp lại, thường xuyên của các bên, không cần phải có sự trả lời.
Đồng thời, theo thực tiễn xét xử, sự im lặng là biểu hiện của sự chấp nhận giao kết hợp đồng nếu có sự xuất hiện của các yếu tố:
+ Bên im lặng biết bên kia thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng không phản đổi;
+ Bên im lặng đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia;
+ Im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng nhưng sau đó yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính cung cấp thông tin về bưu gửi không đầy đủ theo yêu cầu của dịch vụ sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng được niêm yết tại đâu? Thời hạn công khai danh sách?
- Tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ thế nào theo Luật Đất đai mới?
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?