Để không phải xin Giấy phép lao động người đại diện theo pháp luật có được xem là người thành lập hiện diện thương mại không?
Người đại diện theo pháp luật có được xem là người thành lập hiện diện thương mại để không phải xin Giấy phép lao động hay không?
Theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì hiện diện thương mại bao gồm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trong quy định văn bản hiện hành thì không có quy định nào nêu cụ thể người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại là người nào.
Theo quan điểm của Ban hỗ trợ thì người chịu trách nhiệm ở đây có thể không phải là người đại diện theo pháp luật, mà chỉ là người sẽ chịu trách nhiệm đứng ra làm các thủ tục liên quan đến việc thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam mà thôi.
Đồng thời, tại Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cũng quy định như sau:
Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Ngoài các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
1. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
...
Nếu người đại diện theo pháp luật đồng thời là chủ sở hữu hoặc Chủ tịch HĐQT mà không thỏa điều kiện trên thì về thực tế cũng phải xin Giấy phép lao động.
Vì vậy, trong trường hợp này không thể mặc định hiểu người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại mặc định là người đại diện theo pháp luật được.
Giấy phép lao động (Hình từ Internet)
Thời hạn của Giấy phép lao động?
Thời hạn của Giấy phép lao động quy định ở Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cụ thể:
Thời hạn của Giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:
- Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.
- Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.
- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.
- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.
- Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.
- Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó.
- Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
- Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
Tải về mẫu Giấy phép lao động cho người nước ngoài mới nhất:
Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Theo Điều 17 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, điểm e, điểm g khoản 13 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép lao động quy định cụ thể gồm:
- Văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định nay.
- 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp.
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động còn giá trị theo quy định của pháp luật.
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
- Một trong các giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 9 Nghị định này chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung Giấy phép lao động đã được cấp.
- Giấy tờ quy định tại các khoản 3, 4, 6 và 7 Điều này là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt và công chứng hoặc chứng thực trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?