Đất đai là gì? Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như thế nào theo quy định?
Đất đai là gì?
Trước đây, tại khoản 2 Điều 4 Quy định kỹ thuật điều tra thoái hóa đất ban hành kèm Thông tư 14/2012/TT-BTNMT (hết hiệu lực từ 01/08/2024) giải thích khái niệm về đất đai như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.
...
Hiện nay, Luật Đất đai 2024 và các văn bản có liên quan không quy định khái niệm "Đất đai" là gì. Trên thực tế, đất đai là một khái niệm dùng để chỉ phần đất nằm trên bề mặt của Trái Đất, bao gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo có giá trị về mặt kinh tế, xã hội, và môi trường.
Đất đai có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như xây dựng nhà cửa, canh tác nông nghiệp, phát triển công nghiệp, hay làm khu vực bảo vệ môi trường.
Theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp 2013 thì đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2024 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đất đai là gì? Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như thế nào theo quy định? (Hình từ Internet)
Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như sau:
Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:
(1) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;
(2) Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền;
Thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;
(3) Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Đất đai 2024, nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
(2) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(4) Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
(5) Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
(6) Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(7) Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
(8) Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
(9) Quản lý tài chính về đất đai.
(10) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
(11) Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
(12) Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
(13) Thống kê, kiểm kê đất đai.
(14) Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
(15) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
(16) Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
(17) Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
(18) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?