Cục hàng không Việt Nam sẽ cấp phép bay cho những chuyến bay nào theo quy định hiện nay? Trên phép bay sẽ có những nội dung gì?
Cục hàng không Việt Nam sẽ cấp phép bay cho những chuyến bay nào theo quy định hiện nay?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 125/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp phép bay của Cục hàng không Việt Nam như sau:
Thẩm quyền cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay
1. Cục Lãnh sự cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Cục Tác chiến cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
3. Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trường hợp chuyến bay thực hiện một phần trong đường hàng không, hoạt động bay đặc biệt trong đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến.
...
Dẫn chiếu Điều 81 Luật Hàng không dân dụng 2006 (khoản 18 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014) quy định về việc cấp phép bay như sau:
Cấp phép bay
...
2. Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải được cơ quan sau đây của Việt Nam cấp phép bay:
....
c) Bộ Giao thông vận tải cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm chuyến bay của tàu bay Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản này; chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này và chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Theo quy định trên thì Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm
- Chuyến bay của tàu bay Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng;
- Chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam,
- Chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;
- Chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài và chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;
- Chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài.
Cục hàng không Việt Nam sẽ cấp phép bay cho những chuyến bay nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Khi cấp phép bay thì Cục Hàng không Việt Nam phải đảm bảo phép bay phải có những nội dung nào?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2015/NĐ-CP quy định về nội dung phép bay như sau:
Nội dung phép bay
1. Nội dung phép bay, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này bao gồm:
a) Tên, địa chỉ của người được cấp phép bay; tên, địa chỉ của người khai thác tàu bay;
b) Số phép bay được cấp;
c) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký và quốc tịch của tàu bay;
d) Hành trình bay;
đ) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;
e) Thời gian dự kiến cất, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua các điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
g) Mục đích của chuyến bay;
h) Giá trị thời gian thực hiện của phép bay;
i) Chỉ định cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (nếu cần thiết);
k) Các quy định khác của phép bay.
2. Phép bay đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, d, g, h và i Khoản 1 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không hoặc đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
b) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc.
3. Phép bay đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, g, h và i Khoản 1 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí của phương tiện bay siêu nhẹ (tọa độ WGS-84);
b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
c) Độ cao tối đa, độ cao tối thiểu;
d) Đường bay, hướng bay của phương tiện bay siêu nhẹ;
đ) Đặc điểm nhận dạng;
e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
g) Những điểm lưu ý khác.
Tùy vào chuyến bay, phương tiện bay thì nội dung của phép bay sẽ khác nhau. Cục Hàng không Việt Nam cần sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để cấp phép bay, đảm bảo những nội dung trong phép bay theo quy định nêu trên.
Phép bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp sẽ có hiệu lực sử dụng trong bao lâu?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 125/2015/NĐ-CP quy định về thời hạn sử dụng của phép bay như sau:
(1) Thời gian thực hiện của từng chuyến bay được xác định theo nội dung phép bay đã cấp.
(2) Phép bay cho chuyến bay cất, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam có giá trị hiệu lực từ mười hai (12) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến hai mươi bốn (24) giờ sau giờ dự kiến cất, hạ cánh ghi trong phép bay.
(3) Phép bay cho chuyến bay qua vùng trời Việt Nam có giá trị hiệu lực trong phạm vi thời gian từ ba (03) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến bảy mươi hai (72) giờ sau giờ dự kiến ghi trong phép bay.
(4) Giá trị hiệu lực của phép bay bao gồm cả phép bay cho chuyến bay từ sân bay dự bị đi sân bay đến hoặc sân bay khởi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?