Công ty TNHH hai thành viên không thực hiện cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Thành viên công ty TNHH được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp khi nào?
- Giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên bao gồm những nội dung nào?
- Việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên được quy định thế nào?
- Công ty TNHH hai thành viên không thực hiện cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Thành viên công ty TNHH được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp khi nào?
Theo khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:
"5. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, người góp vốn trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp và những thông tin về người góp vốn quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp."
Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty có nghĩa vụ phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp tại thời điểm thành viên góp đủ phần vốn góp. Do đó, trường hợp của công ty bạn không thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các thành viên là đã vi phạm quy định pháp luật.
Tải về mẫu giấy chứng nhận phần vốn góp mới nhất 2023: Tại Đây
Công ty TNHH hai thành viên không thực hiện cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty
Giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, theo đó giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Vốn điều lệ của công ty;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
- Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
- Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên được quy định thế nào?
Theo Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên như sau:
"Điều 52. Chuyển nhượng phần vốn góp
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
b) Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng."
Công ty TNHH hai thành viên không thực hiện cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;
- Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông phát hành cổ phiếu;
- Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
- Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.
Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức phạt trên được quy định đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp công ty bạn không thực hiện cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, theo điểm c khoản 3 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghiêm cấm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nào theo quy định pháp luật ngoại thương?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là gì? Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm các tổ chức nào?
- Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm của Hội người cao tuổi? Tải về file word mẫu Báo cáo tổng kết mới nhất?
- Vận tải đa phương thức quốc tế là gì? Chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế được phát hành khi nào?
- Số tiền chiết khấu thương mại của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng trong trường hợp nào?