Công ty tạm đình chỉ công việc của nhân viên 3 tháng thì có vi phạm pháp luật về thời gian tạm đình chỉ không?
Tạm đình chỉ công việc là như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ như sau:
"Điều 128. Tạm đình chỉ công việc
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên."
Như vậy, tạm đình chỉ được thực hiện khi người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
Quyền lợi của người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc là gì?
Căn cứ khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền lợi của người lao động như sau:
- Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
- Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
- Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Như vậy, có thể thấy vì đảm bảo cho người lao động có thể trang trải cuộc sống mà trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương.
Công ty tạm đình chỉ công việc của nhân viên 3 tháng thì có vi phạm pháp luật về thời gian tạm đình chỉ không?
Khi bị tạm đình chỉ công việc, người lao động có được quyền khiếu nại không?
Căn cứ khoản 1 Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động.
Như vậy, khi bị tạm đình chỉ mà người lao động cảm thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại đến người sử dụng lao động hoặc đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 187, 188, 189 và Điều 190 Bộ luật Lao động 2019.
Công ty tạm đình chỉ công việc của nhân viên 3 tháng thì có vi phạm về thời gian tạm đình chỉ không?
Căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Và theo điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:
"Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
e) Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật.
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động khi có hành vi quy định tại điểm e, g khoản 2 Điều này;"
Và theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần như sau:
"Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Như vậy, công ty tạm đình chỉ công việc của bạn 3 tháng đã vi phạm về thời gian tạm đình chỉ, vì không đúng quy định pháp luật nên công ty của bạn có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi này. Đồng thời, phải trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?