Công thức tính vốn chủ sở hữu? Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán gồm những khoản nào?
Công thức tính vốn chủ sở hữu?
Căn cứ tại Mục 18 Chuẩn mực số 01 ban hành và công bố theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC về Chuẩn mực chung:
Theo đó, vốn chủ sở hữu: Là giá trị vốn của doanh nghiệp, được tính bằng số chênh lệch giữa giá trị Tài sản của doanh nghiệp trừ (-) Nợ phải trả.
Hay nói cách khác, công thức tính vốn chủ sở hữu như sau:
Vốn chủ sở hữu = Tài sản doanh nghiệp – Nợ phải trả
Trong đó:
- Tài sản: Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.
- Nợ phải trả: Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.
Tải về Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung
Công thức tính vốn chủ sở hữu? Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán gồm những khoản nào? (Hình từ Internet)
Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán gồm những khoản nào?
Tại Mục 29 Chuẩn mực số 01 ban hành và công bố theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC về Chuẩn mực chung:
Theo đó, vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán, gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Trong đó:
- Vốn của các nhà đầu tư có thể là vốn của chủ doanh nghiệp, vốn góp, vốn cổ phần, vốn Nhà nước;
- Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành;
- Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế giữ lại để tích luỹ bổ sung vốn;
- Các quỹ như quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển;
- Lợi nhuận chưa phân phối là lợi nhuận sau thuế chưa chia cho chủ sở hữu hoặc chưa trích lập các quỹ;
- Chênh lệch tỷ giá, gồm:
+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng;
+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi doanh nghiệp ở trong nước hợp nhất báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán khác với đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp báo cáo.
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước, hoặc khi đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, cổ phần.
Nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu theo Thông tư 200?
Nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu được quy định tại Điều 66 Thông tư 200/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:
(1) Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu). Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:
- Vốn góp của chủ sở hữu;
- Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
(2) Kế toán không ghi nhận vốn góp theo vốn điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh.
Khoản vốn góp huy động, nhận từ các chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp, tuyệt đối không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu.
Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại ngày góp vốn.
(3) Việc nhận vốn góp bằng các loại tài sản vô hình như bản quyền, quyền khai thác, sử dụng tài sản, thương hiệu, nhãn hiệu… chỉ được thực hiện khi có quy định cụ thể của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, các giao dịch góp vốn bằng nhãn hiệu, thương hiệu được kế toán như việc đi thuê tài sản hoặc nhượng quyền thương mại, theo đó:
- Đối với bên góp vốn bằng thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại: Ghi nhận số tiền thu được từ việc cho bên kia sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại là doanh thu cho thuê tài sản vô hình, nhượng quyền thương mại, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào đơn vị khác và thu nhập hoặc vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị khoản đầu tư;
- Đối với bên nhận vốn góp bằng thương hiệu, nhãn nhiệu, tên thương mại: Không ghi nhận giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại và ghi tăng vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại nhận vốn góp. Khoản tiền trả cho việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu, tên thương mại được ghi nhận là chi phí thuê tài sản, chi phí nhượng quyền thương mại.
(4) Việc sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, quỹ đầu tư phát triển để bù lỗ kinh doanh được thực hiện theo quyết định của chủ sở hữu, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.
(5) Việc phân phối lợi nhuận chỉ thực hiện khi doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Mọi trường hợp trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu quá mức số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối về bản chất đều là giảm vốn góp, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?