Công dân Việt Nam là gì? Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam? Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam đúng không?
Công dân Việt Nam là gì?
Tại Điều 17 Hiến pháp 2013 có quy định:
1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.
3. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.
Như vậy, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.
Công dân Việt Nam là gì? Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam? Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam đúng không? (hình từ internet)
Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam gồm các quyền nào?
Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam được quy định từ Điều 19 Hiến pháp 2013 đến Điều 43 Hiến pháp 2013 như sau:
(1) Quyền được sống theo Điều 19 Hiến pháp 2013:
Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
(2) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm theo theo Điều 20 Hiến pháp 2013 như sau:
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
- Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
- Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.
(3) Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, uy tín theo Điều 21 Hiến pháp 2013 như sau:
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
- Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
(4) Quyền có nơi ở hợp pháp, bất khả xâm phạm về nơi ở theo Điều 22 Hiến pháp 2013 như sau:
- Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
- Việc khám xét chỗ ở do luật định.
(5) Quyền tự do đi lại, cư trú:
Theo Điều 23 Hiến pháp 2013 thì công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
(6) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Điều 24 Hiến pháp 2013 như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
(7) Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Điều 25 Hiến pháp 2013 công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
(8) Quyền được bình đẳng về giới tính theo Điều 26 Hiến pháp 2013
- Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
- Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
(9) Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, biểu quyết khi trưng cầu dân ý:
Theo Điều 27 Hiến pháp 2013 thì công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Đồng thời, theo Điều 28 Hiến pháp 2013:
- Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
- Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Theo Điều 29 Hiến pháp 2013 thì công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
(10) Quyền khiếu nại theo Điều 30 Hiến pháp 2013 như sau:
- Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
(11) Quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (theo Điều 33 Hiến pháp 2013)
(12) Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (theo Điều 34 Hiến pháp 2013)
(13) Quyền được làm việc theo Điều 35 Hiến pháp 2013 như sau:
- Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
- Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
(14) Quyền kết hôn theo Điều 36 Hiến pháp 2013 như sau:
- Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
- Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Một số quyền cơ bản khác của Công dân Việt Nam
** Theo Điều 32 Hiến pháp 2013 thì:
- Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
- Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
** Theo Điều 37 Hiến pháp 2013 thì:
- Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
- Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
- Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
** Theo Điều 38 Hiến pháp 2013
- Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
- Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập theo Điều 39 Hiến pháp 2013
- Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó theo Điều 40 Hiến pháp 2013;
- Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa Điều 41 Hiến pháp 2013
- Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp theo Điều 42 Hiến pháp 2013;
- Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Điều 43 Hiến pháp 2013.
Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam đúng không?
Căn cứ theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
Người được cấp thẻ căn cước
1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?
- Mã số thông tin của công trình xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được khởi tạo khi nào?
- Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở nào? Nguyên tắc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan?
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?