Có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo loại hình công ty cổ phần hay không? Những ai không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp?
Có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo loại hình công ty cổ phần hay không?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
Như vậy, theo quy định nêu trên, Văn phòng giám định tư pháp chỉ được thành lập theo 02 loại hình là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, cụ thể:
- Nếu Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
- Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Do đó, không thể thành Văn phòng giám định tư pháp theo loại hình công ty cổ phần.
Tải về mẫu thẻ giám định viên tư pháp mới nhất 2023: Tại Đây
Văn phòng giám định tư pháp (Hình từ Internet)
Những ai không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp?
Tại Điều 15 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) quy định về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp
1. Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;
b) Có Đề án thành lập theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Theo đó, những người sau đây sẽ không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.
Văn phòng giám định tư pháp có thể có thành viên góp vốn không?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật giám định tư pháp, Luật doanh nghiệp, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Đối với Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải là giám định viên tư pháp. Văn phòng giám định tư pháp có thể có thành viên góp vốn.
3. Tên gọi Văn phòng giám định tư pháp bao gồm cụm từ “Văn phòng giám định tư pháp” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu của Văn phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Văn phòng giám định tư pháp có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì ngoài thành viên hợp danh còn có thể có thêm thành viên góp vốn.
Văn phòng giám định tư pháp có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì Văn phòng giám định tư pháp có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
(1) Quyền của Văn phòng giám định tư pháp
- Thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng;
- Thu chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;
- Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;
- Quyền theo quy định của Luật giám định tư pháp, pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp
- Niêm yết công khai chi phí giám định tư pháp;
- Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật;
- Chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;
- Báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ hàng năm;
- Nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp, pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?