Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bị xử phạt thế nào?
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng phôi dư để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi nào?
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bị xử phạt thế nào?
- Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm không?
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng phôi dư để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi nào?
Theo Điều 6 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về việc sử dụng phôi dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm như sau:
Quy định về việc sử dụng phôi dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm
1. Cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với sự đồng ý của cả vợ và chồng thông qua hợp đồng tặng, cho.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được phép sử dụng phôi dư có hợp đồng tặng cho quy định tại Khoản 1 Điều này để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
3. Phôi của người cho theo quy định tại Khoản 1 Điều này được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công thì mới được sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì phôi còn lại phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm nghiên cứu khoa học.
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định cho phép sử dụng phôi dư theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
Theo quy định trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng phôi dư để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi có sự đồng ý của cả vợ và chồng (đã có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư) thông qua hợp đồng tặng, cho.
Thụ tinh trong ống nghiệm (Hình từ Internet)
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 42 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như sau:
Vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
...
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
d) Sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
...
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 106 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm e khoản 30 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP về quyền của Giám đốc Công an cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; đến 35.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, đ và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này;
e) Áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.
...
Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 60.000.000 đồng nên Giám đốc Công an cấp tỉnh không có quyền xử phạt hành vi này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?
- Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là gì? Quy mô hợp đồng tương lai chỉ số được xác định như thế nào?
- Kết quả của việc đánh giá rủi ro về an toàn trong hoạt động dầu khí được sử dụng vào mục đích gì?
- Tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân lên 15 lần theo quy định mới đúng không?
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm nào theo quy định Luật Hải quan? Thủ tục hải quan là gì?