Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì? Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua những hình thức nào?
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì?
Cổ phần hóa là việc chuyển đổi từ công ty có một chủ thành công ty có nhiều chủ bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác.
Theo đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Dẫn chiếu đến Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn phù hợp với phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp.
Trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là gì? (Hình từ Internet)
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua những hình thức nào?
Hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, bao gồm:
- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bao gồm những chi phí nào?
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) thì Chi phí cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán.
Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Các khoản chi phí cổ phần hóa phải đảm bảo có đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ, tiết kiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chi phí cổ phần hóa bao gồm:
(1) Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:
- Chi phí cho việc tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp;
- Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản;
- Chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ;
- Chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa;
- Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;
- Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần;
- Chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần;
- Chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu.
(2) Tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa (tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn để xác định giá khởi điểm, tổ chức tư vấn để xây dựng phương án cổ phần hóa, tổ chức tư vấn bán cổ phần) do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định. Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.
(3) Thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc:
- Mức thù lao hàng tháng cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tối đa không quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ.
- Thời gian thanh toán thù lao cho từng thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc theo thực tế nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.
(4) Các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.
Lưu ý:
- Chi phí cổ phần hóa được lấy từ nguồn tiền thu từ bán cổ phần.
- Chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không xác định là chi phí cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp theo quy định.
- Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc dừng không thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp và doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời điểm công nhận đảng viên dự bị chuyển chính thức là khi nào? Hồ sơ xét đảng viên dự bị chuyển chính thức?
- Hậu quả của ô nhiễm môi trường là gì? Nội dung chính của phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất?
- Quản lý, sử dụng mạng máy tính đối với các Hệ thống thông tin của Bộ giáo dục và Đào tạo từ ngày 30/10/2024 như thế nào?
- Công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên có gì khác nhau về chủ sở hữu?
- Mẫu đề án thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục từ ngày 20/11/2024 theo Nghị định 125 như thế nào?