C/O là gì? Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam có chứng từ C/O được hưởng ưu đãi thuế quan không?
C/O là gì? Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam có chứng từ C/O được hưởng ưu đãi thuế quan không?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định:
Giải thích từ ngữ
Theo Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. C/O là từ viết tắt của “Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”.
2. CNM là từ viết tắt của “Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ”.
3. Hệ thống hài hòa là cụm từ viết tắt của thuật ngữ “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” được định nghĩa tại Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới, trong đó bao gồm tất cả các ghi chú đã có hiệu lực và được sửa đổi sau này.
...
Theo đó, C/O là viết tắt của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
C/O là một chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu. C/O cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia nào.
C/O trong tiếng Anh là Certificate of Origin (viết tắt là C/O).
Theo Điều 5 Thông tư 12/2019/TT-BCT quy định: Hàng hóa được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng các quy tắc xuất xứ dưới đây cũng như các quy định khác tại Thông tư 12/2019/TT-BCT:
- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên theo quy định tại Điều 6 Thông tư 12/2019/TT-BCT.
- Được sản xuất tại một Nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều Nước thành viên.
- Được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ tại một Nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng các quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2019/TT-BCT.
Như vậy, để được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thì ngoài việc được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) còn cần đáp ứng các điều kiện nêu trên.
C/O là gì? Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam có chứng từ C/O được hưởng ưu đãi thuế quan không? (Hình từ Internet)
Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do ai cấp?
Căn cứ Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương 2017 có quy định như sau:
Thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì C/O do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác cấp.
Cách xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Hải quan 2014 thì cách xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu thực hiện như sau:
- Cơ quan hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở nội dung khai của người khai hải quan, chứng từ chứng nhận xuất xứ, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phát hành hoặc do người sản xuất, người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu tự chứng nhận theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước sản xuất hàng hóa theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ có giá trị pháp lý để xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu.
Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu được thông quan theo quy định tại Điều 37 Luật Hải quan 2014 nhưng không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Số thuế chính thức phải nộp căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, tại Điều 4, 5, 6 Thông tư 05/2018/TT-BCT có quy định về cách xác định hàng hóa nhập khẩu, cụ thể:
- Nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là: Hàng hóa đó phải có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó.
- Việc xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu sẽ dựa vào 02 quy tắc:
+ Quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi:
Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan và phi thuế quan, quy tắc xuất xứ ưu đãi được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó.
+ Quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi:
Hàng hóa nhập khẩu được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu đáp ứng quy định tại Điều 7 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
Hàng hóa nhập khẩu được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh Mục Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT-BCT để hướng dẫn Điều 8 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?