Có được khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự? Nếu được thì có bị trả lại đơn khởi kiện khi không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự?
Có được khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự?
Có được khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự hay không thì có thể căn cứ vào các quy định sau:
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định trên, quyền khởi kiện có thể được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không nhất thiết người thực hiện quyền khởi kiện phải là người bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.
Căn cứ quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 về đại diện như sau:
Đại diện
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Đồng thời, tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ xác lập quyền đại diện như sau:
Căn cứ xác lập quyền đại diện
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Từ các quy định trên, có thể thấy người đại diện bao gồm đại diện theo uỷ quyền và đại diện theo pháp luật.
Như vậy, cá nhân, pháp nhân có thể khởi kiện thay người khác (cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp) trong vụ án dân sự nếu thuộc các trường hợp sau:
(1) Được cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp uỷ quyền thực hiện quyền khởi kiện;
(2) Cá nhân, pháp nhân khởi kiện thay là người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.
(Lưu ý: Đại diện theo pháp luật của cá nhân, đại diện theo pháp luật của pháp nhân và đại diện theo uỷ quyền được quy định tại Điều 136, Điều 137 và Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
(2) Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
(3) Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(4) Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
(5) Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Lưu ý: Người đại diện khởi kiện thay phải là người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định pháp luật.
Có được khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự? Nếu được thì có bị trả lại đơn khởi kiện khi không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự? (Hình từ Internet)
Người khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự là người không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có bị trả lại đơn khởi kiện không?
Căn cứ quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện
1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
...
Theo quy định, người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thuộc trường hợp Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.
Do đó, người khởi kiện thay người khác trong vụ án dân sự là người không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện theo quy định pháp luật.
Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự được quy định như thế nào?
Phạm vi khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
(2) Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
(3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh sách 25 cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ theo Quyết định 3552/QĐ-BYT? Mục đích, yêu cầu của các cuộc thanh tra?
- Chủ tịch hội do ai bầu ra theo Nghị định 126? Nhân sự dự kiến chủ tịch hội có thể là cán bộ công chức viên chức không?
- Mẫu kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự đối với dự án đầu tư công trình năng lượng? Tải về mẫu?
- Mẫu báo cáo thu chi nội bộ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất theo quy định?
- Thủ tục phân bổ, cấp địa chỉ Internet, số hiệu mạng từ ngày 25/12/2024 theo Nghị định 147 như thế nào?