Có các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng nào? Nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng theo từng ngạch là gì?

Cho tôi hỏi hiện nay theo quy định thì có các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng nào? Nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng theo từng ngạch là gì? Tôi cảm ơn. - Câu hỏi của anh Minh Tiến (Đồng Nai).

Có các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng nào?

Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 14/2022/TT-NHNN quy định hiện nay có 05 ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng, cụ thể:

(1) Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng - Mã số: 07.044

(2) Kiểm soát viên chính ngân hàng - Mã số: 07.045

(3) Kiểm soát viên ngân hàng - Mã số: 07.046

(4) Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng - Mã số: 07.048

(5) Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ - Mã số: 07.047

các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng

Các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng (Hình từ Internet)

Nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng có ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng là gì?

Về nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng có ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2022/TT-NHNN gồm có:

- Chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế hoặc các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách, các đề án, chương trình, dự án về kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp xem xét, kết luận xử lý những vấn đề chuyên môn phức tạp;

- Chủ trì triển khai kiểm soát, kiểm toán những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp chỉ đạo và thực hiện kiểm soát thường xuyên, đột xuất; kiểm toán định kỳ việc chấp hành các quy định, thể lệ, chế độ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước; lập báo cáo kiểm soát, kiểm toán, lập biên bản kiểm soát, kiểm toán, kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý những thiếu sót, vi phạm đối với các đơn vị được kiểm soát, kiểm toán;

- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các cơ chế, quy chế, quy trình kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, quy chế, chế độ nghiệp vụ về hoạt động ngân hàng;

- Chủ trì việc tổ chức biên soạn tài liệu, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức tập huấn chuyên đề cho các kiểm soát viên chính, kiểm soát viên ngân hàng;

- Chủ trì hoặc tham gia các đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học cấp ngành về lĩnh vực kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và các đề tài thuộc các lĩnh vực hoạt động khác của ngân hàng nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;

- Tổ chức chỉ đạo, triển khai hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước và đề xuất các biện pháp, giải pháp để thực hiện có hiệu quả;

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm về công tác kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung chế độ, quy trình nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và chế độ, nghiệp vụ ngân hàng.

Công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng có nhiệm vụ gì?

Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2022/TT-NHNN quy định về nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng như sau:

- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế hoặc cơ chế, quy chế, chương trình, kế hoạch về kiểm soát, kiểm toán các hoạt động nghiệp vụ được giao; tổ chức thực hiện việc kiểm soát, kiểm toán các hoạt động nghiệp vụ được giao;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm soát, kiểm toán những lĩnh vực được phân công; kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý những thiếu sót đối với các đơn vị được kiểm soát, kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật về các kiến nghị, đề xuất của mình;

- Tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, chuyên môn nghiệp vụ về kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước; đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước;

- Chỉ đạo hoạt động kiểm toán và kiểm soát; phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác kiểm soát, kiểm toán; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, quy trình nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và cơ chế hoạt động ngân hàng;

- Tham gia xây dựng các quy trình nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, các cơ chế, quy chế về hoạt động ngân hàng; nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;

- Tham gia xây dựng nội dung, biên soạn tài liệu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các Kiểm soát viên ngân hàng và người làm công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước.

Công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Kiểm soát viên ngân hàng có nhiệm vụ gì?

Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2022/TT-NHNN thì công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Kiểm soát viên ngân hàng có nhiệm vụ:

- Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các cơ chế, quy chế, kế hoạch về kiểm soát, kiểm toán của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Trực tiếp thực hiện nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán trong phạm vi được phân công; kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý những thiếu sót, vi phạm tại các đơn vị được kiểm soát, kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và pháp luật về các kiến nghị, đề xuất của mình;

- Tổng kết, đánh giá đúc rút kinh nghiệm kiểm soát, kiểm toán các mặt hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao để đảm bảo tổ chức thực hiện kiểm soát, kiểm toán hoạt động của Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ và có hiệu quả; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi chế độ, quy trình nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước;

- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm soát, kiểm toán, đồng thời đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán.

Công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng có nhiệm vụ gì?

Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 14/2022/TT-NHNN quy định về nhiệm vụ của Công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng như sau:

- Thực hiện việc nhập - xuất (thu - chi) tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá chính xác, kịp thời, đầy đủ theo đúng lệnh của cấp có thẩm quyền, đúng chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp;

- Mở sổ quỹ; sổ theo dõi từng loại tiền, từng loại tài sản; thẻ kho; các sổ sách cần thiết khác; ghi chép và bảo quản các sổ sách, giấy tờ đầy đủ, rõ ràng, chính xác;

- Tổ chức sắp xếp tiền mặt, tài sản trong kho tiền gọn gàng, khoa học, đảm bảo vệ sinh kho tiền; áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng tiền, tài sản trong kho tiền;

- Tham gia kiểm kê tài sản trong kho tiền định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo sự khớp đúng giữa tồn kho thực tế với sổ sách kế toán và sổ quỹ, thẻ kho;

- Quản lý, giữ chìa khóa một ổ khóa cửa kho tiền bảo quản tài sản được giao, các ổ khóa cửa gian kho và các phương tiện bảo quản tài sản trong kho tiền (két, tủ sắt); chịu trách nhiệm cá nhân đối với tài sản trong kho tiền thuộc nhiệm vụ được giao;

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, kiểm kê kho tiền, theo đúng quy định của Nhà nước và của ngành.

Công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ có nhiệm vụ gì?

Về nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng giữ ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ được quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 14/2022/TT-NHNN như sau:

- Thực hiện việc giao nhận, kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn, đóng gói, bốc xếp, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá;

- Chịu trách nhiệm tài sản đối với tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong phạm vi được giao bảo quản, vận chuyển, bốc xếp, kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn, đóng gói;

- Theo dõi, ghi chép, cập nhật sổ sách, chứng từ tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá và các sổ sách khác đầy đủ, rõ ràng, chính xác;

- Chấp hành quy định kiểm kê tài sản cuối ngày, nhập kho tiền để bảo quản tài sản khi hết giờ làm việc hàng ngày;

- Làm các báo cáo thống kê có liên quan khi được phân công;

- Hướng dẫn khách hàng chấp hành đúng nội quy, quy định trong quá trình giao dịch và hướng dẫn khách hàng về nhận biết, thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định;

- Phát hiện tiền giả, tiền nghi giả, tiền bị hủy hoại khi thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Kiểm tra tại chỗ các điều kiện đảm bảo an toàn cho việc xuất, nhập tài sản trong kho tiền và khi tổ chức bốc xếp, vận chuyển đi, đến theo lệnh của cấp có thẩm quyền khi được phân công;

- Kiểm tra công tác an toàn kho tiền trong giờ làm việc; kiểm soát và giám sát những người được vào làm việc trong kho tiền; kiểm tra việc chấp hành quy định vào, ra kho tiền; được quyền kiểm tra, soát xét những người vào, ra kho tiền khi có nghi vấn;

- Thực hiện các chỉ tiêu định mức về việc kiểm đếm, thu chi tiền.

Công chức chuyên ngành Ngân hàng
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Từ 01/01/2023, tiền lương của công chức chuyên ngành Ngân hàng cao nhất lên đến gần 12.000.000 đồng/tháng nếu chưa tăng lương cơ sở?
Pháp luật
Công chức chuyên ngành Ngân hàng có bao nhiêu chức danh? Xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng như thế nào?
Pháp luật
Từ 01/01/2023, công chức ngành Ngân hàng sẽ có bao nhiêu chức danh? Công chức chuyên ngành Ngân hàng có bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không?
Pháp luật
Có các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng nào? Nhiệm vụ của công chức chuyên ngành Ngân hàng theo từng ngạch là gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công chức chuyên ngành Ngân hàng
778 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Công chức chuyên ngành Ngân hàng

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Công chức chuyên ngành Ngân hàng

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào