Có bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư có 01 chủ sở hữu? Ban quản trị nhà chung cư hoạt động kể từ khi nào?
Nhà chung cư có 01 chủ sở hữu có bắt buộc phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Ban quản trị nhà chung cư
1. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Trường hợp thành lập Ban quản trị nhà chung cư được thực hiện như sau:
a) Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;
b) Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị nhà chung cư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì nhà chung cư có 01 chủ sở hữu không bắt buộc phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
Theo đó, việc thành lập hay không thành lập Ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đó thống nhất quyết định.
Trường hợp thành lập Ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu thì thành phần Ban quản trị bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.
Có bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư có 01 chủ sở hữu? Ban quản trị nhà chung cư hoạt động kể từ khi nào? (Hình từ Internet)
Ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi nào?
Căn cứ vào khoản 5 Điều 23 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD có quy định như sau:
Thủ tục công nhận và thông báo hoạt động của Ban quản trị
...
4. Sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản trị được công nhận có trách nhiệm lập tài khoản hoạt động của Ban quản trị; trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị phải lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và đăng ký con dấu theo quy định của pháp luật về đăng ký quản lý con dấu (tên Ban quản trị khắc trên con dấu phải trùng với tên Ban quản trị đã được công nhận), trừ trường hợp Ban quản trị đã có con dấu và có tài khoản được lập theo quy định.
5. Ban quản trị có một chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận. Ban quản trị có nhiều chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi có con dấu được đăng ký theo quy định của pháp luật và có các tài khoản được lập theo quy định của Quy chế này.
Đối với Ban quản trị có nhiều chủ sở hữu đã có con dấu, có tài khoản được lập theo quy định mà không thuộc trường hợp đổi tên Ban quản trị thì phải có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng nơi đã mở tài khoản kèm theo bản sao có chứng thực quyết định công nhận Ban quản trị để thực hiện các giao dịch với tổ chức tín dụng theo quy định.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Ban quản trị có 01 chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.
Sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản trị được công nhận có trách nhiệm lập tài khoản hoạt động của Ban quản trị.
Quyền của Ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu được quy định như thế nào?
Quyền của Ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu được quy định như tại khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở 2023, cụ thể như sau:
Quyền của Ban quản trị nhà chung cư
...
2. Đối với trường hợp nhà chung cư thuộc tài sản công thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quyền quy định tại điểm d và điểm g khoản 1 Điều này. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu khác thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện quyền quy định tại các điểm d, đ và g khoản 1 Điều này.
Như vậy, ban quản trị nhà chung cư có 01 chủ sở hữu có các quyền sau đây:
- Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư;
- Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?