CIC là gì? Rơi vào nợ xấu có vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại được hay không theo quy định?
CIC là gì?
CIC (Credit Information Centre) là tên viết tắt bằng Tiếng Anh của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam được quy định tại Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-NHNN và khoản 2 Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-NHNN.
Ngoài ra, Trung tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
CIC hoạt động với mục tiêu hạn chế, ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Đồng thời, CIC kết nối nhu cầu tín dụng giữa cá nhân, doanh nghiệp với các Tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tín dụng đen, cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của World Bank.
Cổng thông tin "Kết nối khách hàng vay" có địa chỉ: http://cic.gov.vn.
Tại đây cá nhân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm gói vay, đăng ký nhu cầu vay và khai thác báo cáo Thông tin tín dụng, Xếp hạng tín dụng về bản thân, doanh nghiệp mình.
Lưu ý: Cổng thông tin này khác với địa chỉ http://cic.org.vn - Cũng là của CIC nhưng dành riêng cho các TCTD khai thác.
Rơi vào nợ xấu có vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại được hay không theo quy định?
Nợ xấu được CIC phân loại trong quá trình sắp xếp các dữ liệu liên quan đến tín dụng với 5 nhóm được quy định tại Bảng mã 09/CIC Thông tư 03/2013/TT-NHNN, càng nhóm cao thì tỷ lệ vay vốn càng thấp.
Bảng mã 09/CIC: Mã nhóm nợ
STT | Nhóm nợ | Mã số |
1 | Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) | 01 |
2 | Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) | 02 |
3 | Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) | 03 |
4 | Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) | 04 |
5 | Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) | 05 |
Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN thì nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạng phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Thông tin tiêu cực về khách hàng vay là thông tin về: nợ xấu; vi phạm nghĩa vụ thanh toán; các hành vi vi phạm pháp luật; bị khởi kiện; bị khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.
Khách hàng rơi vào nợ xấu có vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại được hay không?
Khách hàng có lịch sử nợ xấu vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng - vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại, căn cứ vào khẩu vị rủi ro và đánh giá khách hàng vay của tổ chức tín dụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2013/TT-NHNN thì thông tin tiêu cực về khách hàng vay trong đó có thông tin về nợ xấu chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc đánh giá rủi ro đối với khách hàng dựa trên nhiều yếu tố theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng.
Thêm vào đó, thông tin do CIC cung cấp là một trong nhiều kênh tham khảo, hỗ trợ, không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của tổ chức tín dụng.
Rơi vào nợ xấu có vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại được hay không theo quy định? (Hình từ Internet)
Điều kiện để được vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng thương mại là gì?
Căn cứ tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các điều kiện khác theo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?
- Bên mua bảo hiểm có được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm không?
- Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5.000.000 đồng đúng không?
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?