Chơi hụi có hợp pháp hay không? Nếu chơi hụi là không hợp pháp thì những người chơi có thể bị xử phạt thế nào?
Chơi hụi có hợp pháp hay không?
Để xác định chơi hụi có hợp pháp hay không thì căn cứ theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Họ, hụi, biêu, phường
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Theo đó bản chất thì chơi hụi có hợp pháp, tuy nhiên nếu việc chơi hụi có phát sinh lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Đồng thời tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
Nguyên tắc tổ chức họ
1. Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.
2. Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.
3. Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trường hợp chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật là các hành vi bị nghiêm cấm.
Trường hợp vi phạm tùy theo số tiền chiếm đoạt được mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chơi hụi có hợp pháp hay không? (Hình từ Internet)
Để chơi hụi có hợp pháp thì phải tuân thủ mức lãi suất như thế nào?
Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Theo đó trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên.
Đồng thời tại Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP có quy định cụ thể về lãi suất trong chơi hụi có lãi như sau:
Lãi suất trong họ có lãi
1. Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
2. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao tiền hụi được quy định thế nào?
Tại Điều 22 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về mức lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao tiền hụi như sau:
Lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần họ
1. Trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ, thành viên chưa lĩnh họ không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần họ được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.
2. Trường hợp đến kỳ mở họ mà thành viên đã lĩnh họ không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì phải trả lãi như sau:
a) Trường hợp họ không có lãi, lãi suất được xác định theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm góp họ trên thời gian chậm góp, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50%/năm mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này của số tiền chậm góp trên thời gian chậm góp.
b) Trường hợp họ có lãi, lãi suất được xác định theo mức quy định tại khoản 5 Điều 466 của Bộ luật dân sự đối với họ có lãi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?