Cho vay tiền thế nào để không vi phạm pháp luật, không lo bị quỵt nợ? Mẫu hợp đồng cho vay tiền như thế nào?
Cho vay tiền thế nào để không vi phạm pháp luật, không lo bị quỵt nợ?
Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến, theo đó, bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Việc cho vay tiền luôn tồn tại một số rủi ro nhất định như người vay tiền không trả, người cho vay tiền không đúng với các quy định của pháp luật hay đòi nợ trái quy định.
Theo đó, người cho vay tiền có thể áp dụng nhưng phương án sau đây để tránh vi phạm pháp luật và tránh bị quỵt nợ khi cho vay tiền:
(1) Cho vay với lãi suất đúng quy định
Tiền lãi khi cho vay tiền là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu đối với cả người vay và người cho vay tiền.
Tuy Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng khi cho người khác vay tiền, người cho vay cần chú ý lãi suất vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác).
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Ngoài ra, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Lưu ý: Trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất giới hạn thì được xác định là cho vay nặng lãi theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015.
Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay tiền với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Hình sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
(2) Khi cho vay phải lập hợp đồng vay tiền
Như đã phân tích, cho vay tiền là một giao dịch dân sự, theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp cho người thân quen vay tiền nhưng không lập hợp đồng cho vay hay đơn giản hơn là viết 1 tờ giấy tay vì tin tưởng và cả nể nhau, nhưng để tránh rủi ro và những câu chuyện đáng tiếc từ rất nhiều sự việc mâu thuẫn do "quỵt nợ", người cho vay tiền nên xác lập hợp đồng cho vay tiền theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản hay đơn giản là 01 mẫu giấy tay có các nội dung về số tiền vay, lãi suất, phương thức trả nợ… nhằm ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa bên cho vay và bên vay.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người cho vay tiền có thể công chứng hợp đồng cho vay tiền.
(3) Đòi nợ đúng quy định pháp luật
Không phải người vay tiền nào cũng trả tiền đúng hạn theo thỏa thuận, Thực tế cho thấy, ranh giới giữa đòi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh, nhiều vụ án hình sự liên quan đến đòi nợ không thành đã xảy ra một phần nguyên nhân xuất phát việc hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ và chưa biết cách đòi nợ sao cho hợp tình, hợp lý.
>>> Tham khảo: Cách đòi nợ hợp pháp
(4) Vấn đề giữ giấy tờ tùy thân của người vay tiền
Nhiều trường hợp người cho vay tiền giữ chứng minh nhân dân, căn cước công dân,... của người vay để "làm tin". Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014, hành vi chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước công dân của người khác bị pháp luật nghiêm cấm.
Chỉ có cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân của cá nhân.
Đồng nghĩa với việc cho vay tiền giữ căn cước công dân của người vay là hành vi vi phạm pháp luật.
Cho vay tiền thế nào để không vi phạm pháp luật, không lo bị quỵt nợ? (Hình từ Internet)
Không thỏa thuận về thời hạn trả tiền thì đòi nợ người vay thế nào?
Teo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
...
Đồng thời theo quy định tại Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:
Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Như vậy, không thỏa thuận về thời hạn trả tiền thì thời hạn trả nợ được xác định như sau:
- Trường hợp không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Mẫu hợp đồng cho vay tiền như thế nào?
Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng cho vay tiền giữa cá nhân với cá nhân.
Như đã phân tích, hợp đồng vay tiền là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay về việc bên cho vay giao tiền cho bên vay, bên vay nhận tiền và có nghĩa vụ trả lại cho bên cho vay một khoản tiền cùng với lãi suất nếu có.
Theo đó, các bên có thể tham khảo mẫu hợp đồng cho vay tiền sau đây:
TẢI VỀ Mẫu hợp đồng cho vay tiền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?