Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên được quy định như thế nào? Thuyền viên có được nghỉ tết không?
- Thuyền viên có nghĩa vụ gì?
- Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên được quy định như thế nào?
- Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động của thuyền viên bao gồm những gì?
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên được quy định như thế nào?
- Thuyền viên có được nghỉ tết không?
- Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên như thế nào?
Thuyền viên có nghĩa vụ gì?
Theo Điều 60 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định nghĩa vụ của thuyền viên như sau:
(1) Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam có nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia nơi tàu biển Việt Nam hoạt động;
- Thực hiện mẫn cán nhiệm vụ của mình theo chức danh được giao và chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng về những nhiệm vụ đó;
- Thực hiện kịp thời, nghiêm chỉnh, chính xác mệnh lệnh của thuyền trưởng;
- Phòng ngừa tai nạn, sự cố đối với tàu biển, hàng hóa, người và hành lý trên tàu biển. Khi phát hiện tình huống nguy hiểm, phải báo ngay cho thuyền trưởng hoặc sĩ quan trực ca biết, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tai nạn, sự cố phát sinh từ tình huống nguy hiểm đó;
- Quản lý, sử dụng giấy chứng nhận, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ và tài sản khác của tàu biển được giao phụ trách.
(2) Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động đã ký với chủ tàu hoặc người sử dụng lao động nước ngoài.
Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên được quy định như thế nào?
Theo Điều 61 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên như sau:
(1) Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(2) Trường hợp chủ tàu hoặc thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên phải rời tàu biển thì chủ tàu có trách nhiệm chu cấp mọi chi phí sinh hoạt và đi đường cần thiết để thuyền viên hồi hương; trong trường hợp thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên rời tàu biển thì thuyền trưởng phải báo cáo chủ tàu.
(3) Trường hợp tài sản riêng hợp pháp của thuyền viên bị tổn thất do tàu biển bị tai nạn thì chủ tàu phải bồi thường tài sản đó theo giá thị trường tại thời điểm và địa điểm giải quyết tai nạn. Thuyền viên có lỗi trực tiếp gây ra tai nạn làm tổn thất tài sản của mình thì không có quyền đòi bồi thường tài sản đó.
(4) Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài và của thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo hợp đồng lao động.
Chế độ làm việc của thuyền viên
Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động của thuyền viên bao gồm những gì?
Theo Điều 62 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về hợp đồng lao động của thuyền viên như sau:
(1) Trước khi làm việc trên tàu biển, thuyền viên và chủ tàu phải ký kết hợp đồng lao động.
(2) Hợp đồng lao động của thuyền viên phải bao gồm nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động và phải có nội dung sau đây:
- Việc hồi hương của thuyền viên;
- Bảo hiểm tai nạn;
- Tiền thanh toán nghỉ hàng năm;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động.
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên được quy định như thế nào?
Theo Điều 63 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên như sau:
(1) Thời giờ làm việc được bố trí theo ca trong 24 giờ liên tục, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết.
(2) Thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau:
a) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 77 giờ trong 07 ngày bất kỳ;
b) Số giờ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 24 giờ có thể được chia tối đa thành hai giai đoạn, một trong hai giai đoạn đó ít nhất là 06 giờ và khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ liên tiếp nhiều nhất là 14 giờ.
(3) Trường hợp khẩn cấp đối với an ninh, an toàn của tàu và người, hàng hóa trên tàu, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên làm bất kỳ vào thời điểm nào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, thuyền trưởng có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên nghỉ ngơi đủ thời gian quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
(4) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được lập Bảng phân công công việc và được niêm yết tại vị trí dễ thấy trên tàu.
(5) Trường hợp tập trung, thực tập cứu hỏa, cứu sinh hoặc thực tập khác theo quy định, thuyền trưởng có thể bố trí thời giờ nghỉ ngơi khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều này nhưng phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến thời giờ nghỉ ngơi, không gây ra mệt mỏi cho thuyền viên và phải được quy định trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động của thuyền viên theo nguyên tắc sau đây:
a) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ và 70 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày. Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được thực hiện nhiều hơn 02 tuần liên tiếp. Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn áp dụng ngoại lệ không được ít hơn hai lần khoảng thời gian của giai đoạn đã áp dụng ngoại lệ trước đó;
b) Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này có thể được chia tối đa thành ba giai đoạn, một trong số ba giai đoạn đó không được dưới 06 giờ và hai giai đoạn còn lại không được dưới 01 giờ;
c) Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ ngơi liên tiếp không được vượt quá 14 giờ;
d) Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được vượt quá hai giai đoạn 24 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày.
(6) Thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng ủy quyền có trách nhiệm lập Bản ghi thời giờ nghỉ ngơi và cung cấp cho thuyền viên.
Thuyền viên có được nghỉ tết không?
Theo Điều 64 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết của thuyền viên như sau:
(1) Thuyền viên làm việc trên tàu biển được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết và hưởng nguyên lương. Trường hợp thuyền viên chưa được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết thì được bố trí nghỉ bù.
(2) Số ngày nghỉ hàng năm được tính theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật không tính vào số ngày nghỉ hàng năm.
(3) Cấm mọi thỏa thuận để thuyền viên không được nghỉ hàng năm.
Theo đó, thuyền viên làm việc trên tàu biển được nghỉ tết hưởng nguyên lương. Trường hợp thuyền viên chưa được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết thì được bố trí nghỉ bù.
Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên như thế nào?
Theo Điều 65 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên như sau:
(1) Chủ tàu có trách nhiệm thanh toán tiền lương, phụ cấp hàng tháng trực tiếp cho thuyền viên hoặc cho người được thuyền viên ủy quyền hợp pháp.
(2) Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác của thuyền viên được trả bằng tiền mặt hoặc trả vào tài khoản cá nhân của thuyền viên hoặc của người được thuyền viên ủy quyền. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, chủ tàu phải thỏa thuận với thuyền viên về chi phí liên quan đến việc mở, chuyển tiền và duy trì tài khoản theo quy định.
(3) Chủ tàu có trách nhiệm lập và cung cấp cho thuyền viên bản kê thu nhập hàng tháng bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác.
Qua đó, do tính chất công việc đặc thù nên chế độ lao động, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc hay tiền lương của thuyền viên cũng khác hơn so với các ngành nghề khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?