Cảnh sát giao thông thực hiện việc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông theo trình tự như thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 63/2020/TT-BCA thì việc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông được xử lý như sau:
Việc khám nghiệm hiện trường đối với những vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Việc khám nghiệm hiện trường đối với vụ tai nạn giao thông không có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện theo quy trình sau:
Những việc làm trước khi khám nghiệm hiện trường
- Tiếp nhận các công việc của bộ phận bảo vệ hiện trường;
- Xác định phạm vi hiện trường; vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết; nhận định hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn. Sử dụng máy camera được trang cấp cho Cảnh sát giao thông để ghi hình lại toàn bộ khu vực hiện trường trước khi khám nghiệm;
- Xác định thành phần khám nghiệm: Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông để mời thành phần tham gia khám nghiệm cho phù hợp như:
+ Cán bộ kỹ thuật hình sự;
+ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn, Trạm nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đại diện đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ hoặc cá nhân, tổ chức có chuyên môn (liên quan đến việc khám phương tiện cơ giới đường bộ);
+ Đại diện đơn vị quản lý đường bộ, đại diện đơn vị quản lý công trình, đại diện đơn vị chuyên môn kỹ thuật về công trình liên quan đến vụ tai nạn (đối với vụ tai nạn giao thông liên quan đến công trình cầu, đường, hầm);
+ Đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đại diện cơ sở, doanh nghiệp (người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, lĩnh vực định giá tài sản) để xác định giá trị thiệt hại ban đầu về tài sản;
+ Người chứng kiến;
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia khám nghiệm;
- Chọn phương pháp khám nghiệm; xác định chiều hướng khám nghiệm phù hợp; xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn để định vị vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết. Vật chuẩn phải có tính bền vững theo thời gian, vị trí, dễ nhận biết, thuận lợi cho việc đo, vẽ sơ đồ hiện trường;
- Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.
Khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông
Tiến hành khám nghiệm
- Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường.
- Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:
+ Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở hiện trường;
+ Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông;
+ Chụp ảnh hiện trường bao gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;
+ Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông: Sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, vòng xuyến, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan) nơi xảy ra tai nạn; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;
+ Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: Vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học hữu cơ khác.
Lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông
Nội dung biên bản khám nghiệm phải ghi thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm; tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm, quá trình khám nghiệm; cụ thể như sau:
- Mô tả hiện trường chung như:
+ Vị trí tai nạn xảy ra trên đường một chiều hay đường hai chiều;
+ Đường có dải phân cách loại gì; chiều rộng mặt đường, lề đường;
+ Hệ thống báo hiệu đường bộ; rào chắn, tường hộ lan loại gì, chướng ngại vật trên đường;
+ Đặc điểm, hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất);
+ Mặt đường làm bằng bê tông xi măng, nhựa, đá răm, hay đất;
+ Tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt);
- Ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết;
- Ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường;
- Mô tả vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường theo số thứ tự như đã đánh dấu trên hiện trường;
- Ghi cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và các mẫu so sánh;
- Ghi nhận quá trình sử dụng thiết bị điện tử máy lập mô hình hiện trường chuyên dụng để đo vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường, vẽ hiện trường hoặc chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).
Kết thúc khám nghiệm hiện trường
- Kiểm tra lại công việc đã thực hiện trong quá trình khám nghiệm;
- Đánh giá dấu vết và các tài liệu thu thập được tại hiện trường để xác định tính liên quan hoặc cần phải thu thập thêm những dấu vết khác;
- Thông qua và ký biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
- Sau khi khám nghiệm hiện trường, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải có Báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ và đề xuất các biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết tiếp theo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?