Căn cứ để tạm giữ người trong vụ án hình sự bao gồm những gì? Hết thời hạn tạm giữ thì cơ quan chức năng có được gia hạn thêm hay không?
Căn cứ để tạm giữ người trong vụ án hình sự bao gồm những gì?
Theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về biện pháp tạm giữ như sau:
"Điều 117. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ."
Như vậy, căn cứ để tạm giữ người sẽ dựa trên quyết định truy nã hoặc trong trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc trong trường hợp khẩn cấp.
Tạm giữ người trong vụ án hình sự
Người bị tạm giữ có những quyền như thế nào theo quy định mới nhất hiện nay?
Tại khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định người bị tạm giữ sẽ có các quyền sau đây:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Hết thời hạn tạm giữ thì cơ quan chức năng có được gia hạn thêm hay không?
Căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ cụ thể như sau:
"Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam."
Như vậy, theo quy định nêu trên, thời hạn tạm giữ tối đa là 03 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ vẫn có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, thì có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Lưu ý: Mỗi lần gia hạn đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đảng viên xếp loại nào thì được tiền thưởng? Mức tiền thưởng cho đảng viên được khen thưởng là bao nhiêu?
- Tổng hợp 05 mẫu báo cáo thành tích tập thể để đề xuất khen thưởng cuối năm chuẩn theo Nghị định 98?
- Người nước ngoài sử dụng ma túy trái phép phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu bị trục xuất?
- Mẫu Bài phát biểu Ngày 20 11 ngày Nhà giáo Việt Nam dành cho sinh viên đại học hay, ý nghĩa? Nhiệm vụ của giảng viên chính là gì?
- Kinh phí kiểm tra hoạt động đấu thầu được bố trí từ nguồn nào? 04 nguyên tắc kiểm tra hoạt động đấu thầu?