Các giao dịch thanh toán đối với giao dịch vãng lai của người cư trú có được tự do thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay không?
- Các giao dịch thanh toán đối với giao dịch vãng lai của người cư trú được tự do thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay không?
- Có thể sử dụng ngoại tệ khi thực hiện các giao dịch vãng lai hay không?
- Tổ chức tín dụng có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các thanh toán giao dịch vãng lai của người cư trú hay không?
Các giao dịch thanh toán đối với giao dịch vãng lai của người cư trú được tự do thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay không?
Căn cứ khoản 5 và khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định về giao dịch vãng lai, các thanh toán và các vấn đề liên quan đến thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai như sau:
Giải thích từ ngữ
...
5. Giao dịch vãng lai là giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn.
6. Thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai bao gồm:
a) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;
b) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại và vay ngân hàng ngắn hạn;
c) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp;
d) Các khoản chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp;
đ) Các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài;
e) Các khoản chuyển tiền một chiều;
g) Các thanh toán và chuyển tiền khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 70/2014/NĐ-CP có quy định về tự do hóa đối với giao dịch vãng lai như sau:
Tự do hóa đối với giao dịch vãng lai
Trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan theo các nguyên tắc sau:
1. Người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai.
2. Người cư trú, người không cư trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.
3. Khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.
Từ những quy định trên, có thể thấy hoạt động thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn, hay còn gọi là giao dịch vãng lai được tự do thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc tự do thực hiện nói trên vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định được quy định tại Điều 4 Nghị định trên.
Các giao dịch thanh toán đối với giao dịch vãng lai của người cư trú được tự do thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay không? (Hình từ Internet)
Có thể sử dụng ngoại tệ khi thực hiện các giao dịch vãng lai hay không?
Căn cứ Điều 10 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 quy định về đồng tiền sử dụng trong giao dịch vãng lai như sau:
Đồng tiền sử dụng trong giao dịch vãng lai
Người cư trú được lựa chọn đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác được tổ chức tín dụng được phép chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai.
Có thể thấy, ngoài đồng Việt Nam, người cư trú khi thực hiện các thanh toán trong giao dịch vãng lai còn có thể lựa chọn sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác được tổ chức tín dụng được phép chấp nhận làm đồng tiền thanh toán.
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các thanh toán giao dịch vãng lai của người cư trú hay không?
Căn cứ Điều 39 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng như sau:
Trách nhiệm của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác khi thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối
1.Chấp hành nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Kiểm tra các giấy tờ, chứng từ liên quan của khách hàng phù hợp với các giao dịch theo quy định tại Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về quản lý ngoại hối.
3.Có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ để thực hiện việc thanh toán các giao dịch vãng lai ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức và cá nhân.
4.Chịu sự thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Điều 17 Nghị định 70/2014/NĐ-CP có quy định chi tiết về vấn đề này như sau:
Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán vãng lai
Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú để thanh toán cho các giao dịch vãng lai căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm của tổ chức tín dụng là đáp đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú để thanh toán cho các giao dịch vãng lai căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có của tổ chức mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?