Các bên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có những quyền và nghĩa vụ gì?
Các bên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có những quyền gì?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định về quyền của các bên tham gia liên kết như sau:
Quyền của các bên tham gia liên kết
1. Liên kết trong những ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà pháp luật không cấm.
2. Được hưởng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định.
3. Được sử dụng tài sản đầu tư trên đất và tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
4. Được cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ liên kết của nhà nước, giá cả, thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ công ích khác phục vụ liên kết.
5. Được lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực hiện hợp đồng, dự án liên kết theo quy định của pháp luật.
6. Được bảo đảm đối với các tài sản, hạng mục công trình hạ tầng đầu tư tham gia liên kết (bao gồm cả tài sản do nhà nước hỗ trợ) theo quy định của pháp luật.
7. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các bên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có những quyền được quy định tại Điều 13 nêu trên.
Trong đó có quyền được hưởng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định.
Sản phẩm nông nghiệp (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được quy định thế nào?
Theo Điều 14 Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết như sau:
Nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết
1. Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng, dự án liên kết cho các bên tham gia liên kết khi được yêu cầu.
2. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung cam kết của hợp đồng, dự án liên kết.
3. Tuân thủ các quy định của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.
4. Đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết theo quy định pháp luật hiện hành.
5. Các bên tham gia liên kết có nghĩa vụ trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng liên kết và pháp luật.
Theo đó, các bên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có những nghĩa vụ được quy định tại Điều 14 nêu trên.
Trong đó có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng, dự án liên kết cho các bên tham gia liên kết khi được yêu cầu.
Việc xử lý tranh chấp khi thực hiện hợp đồng liên kết được thực hiện bằng những hình thức nào?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2018/NĐ-CP về xử lý tranh chấp, vi phạm khi thực hiện hợp đồng và dự án liên kết như sau:
Xử lý tranh chấp, vi phạm khi thực hiện hợp đồng và dự án liên kết
1. Các bên tham gia liên kết không thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết và trách nhiệm (trừ các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh) khi thực hiện liên kết được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì:
a) Không được hưởng các khoản ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và buộc phải bồi thường cho bên bị thiệt hại;
b) Không được tham gia được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước về liên kết trong thời gian 05 năm kể từ thời điểm xác định là vi phạm.
2. Các bên tham gia liên kết vi phạm các quy định trong hợp đồng liên kết bị xử lý theo các hình thức sau:
a) Buộc thực hiện đúng hợp đồng liên kết;
b) Phạt vi phạm hợp đồng liên kết;
c) Tạm ngừng thực hiện hợp đồng liên kết;
d) Đình chỉ thực hiện hợp đồng liên kết;
đ) Hủy bỏ hợp đồng liên kết;
e) Buộc bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan;
g) Các biện pháp khác do các bên tham gia liên kết thỏa thuận không trái với quy định pháp luật hiện hành.
3. Hình thức xử lý các tranh chấp hợp đồng liên kết: Nhà nước khuyến khích các hình thức giải quyết tranh chấp của các bên tham gia liên kết bằng hình thức thương lượng và hòa giải. Trường hợp không thống nhất được thì giải quyết thông qua trọng tài thương mại hoặc giải quyết tại tòa án.
Như vậy, các bên tham gia liên kết vi phạm các quy định trong hợp đồng liên kết bị xử lý theo các hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 15 nêu trên.
Và Nhà nước khuyến khích các hình thức giải quyết tranh chấp của các bên tham gia liên kết bằng hình thức thương lượng và hòa giải. Trường hợp không thống nhất được thì giải quyết thông qua trọng tài thương mại hoặc giải quyết tại tòa án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngành quản lý tòa nhà trình độ cao đẳng là ngành gì? Ngành quản lý tòa nhà hệ cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp không?
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?