Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải chứng minh phán quyết thuộc trường hợp bị hủy đúng không?
Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải chứng minh phán quyết thuộc trường hợp bị hủy đúng không?
Việc bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có phải chứng minh phán quyết thuộc trường hợp bị hủy không, theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài
1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.
2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
3. Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:
a) Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;
b) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.
Theo đó, bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp bị hủy.
Tuy nhiên, nếu bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì lúc này Tòa án sẽ là bên có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.
Hủy phán quyết trọng tài (Hình từ Internet)
Thời hạn gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là bao lâu?
Việc gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được thực hiện trong thời hạn quy định tại Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
Quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp.
2. Trường hợp gửi đơn quá hạn vì sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Theo quy định trên, thời hạn gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài.
Lưu ý: Trường hợp gửi đơn quá hạn vì sự kiện bất khả kháng thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn có xét lại nội dung vụ tranh chấp thương mại không?
Việc Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có xét lại nội dung vụ tranh chấp thương mại không, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP như sau:
Tòa án xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài quy định tại Điều 71 Luật TTTM
...
2. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM hay không. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM và Hội đồng trọng tài không khắc phục hoặc không thể khắc phục được theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào điểm tương ứng tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài. Nếu xét thấy phán quyết trọng tài không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, thì Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định không huỷ phán quyết trọng tài. Quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài được thực hiện theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
...
Như vậy, khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định không, cụ thể:
- Nếu xét thấy phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định và Hội đồng trọng tài không khắc phục hoặc không thể khắc phục được theo yêu cầu của Tòa án thì Hội đồng xét đơn ra quyết định huỷ phán quyết trọng tài.
- Nếu xét thấy phán quyết trọng tài không thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định thì Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định không huỷ phán quyết trọng tài.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?