Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh có chức năng như thế nào? Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh làm việc theo nguyên tắc nào?
Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh có chức năng như thế nào?
Căn cứ tại Điều 2 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh ban hành kèm theo Quyết định 1051/QĐ-TTg năm 2022, có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo như sau:
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.
Theo đó tại Điều 1 Quyết định 1044/QĐ-TTg năm 2022, có quy định như sau:
Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, theo quy định trên thì Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh (Hình từ Internet)
Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh làm việc theo nguyên tắc nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh ban hành kèm theo Quyết định 1051/QĐ-TTg năm 2022, có quy định về nguyên tắc làm việc như sau:
Nguyên tắc làm việc
1. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng ban; Trưởng ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
3. Trưởng ban chủ trì cuộc họp định kỳ theo kế hoạch và triệu tập cuộc họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
4. Các Ủy viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, trường hợp do bận công tác quan trọng khác không thể tham dự họp, phải báo cáo Trưởng ban và ủy quyền cho người đại diện có trách nhiệm dự họp; ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của ủy viên Ban Chỉ đạo.
5. Ban Chỉ đạo phân công từng thành viên chịu trách nhiệm: Đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai tăng trưởng xanh trên phạm vi toàn quốc.
Như vậy, theo quy định trên thì Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh một năm họp bao nhiêu lần?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh ban hành kèm theo Quyết định 1051/QĐ-TTg năm 2022, có quy định về chế độ làm việc, thông tin và báo cáo như sau:
Chế độ làm việc, thông tin và báo cáo
1. Cuộc họp định kỳ: Ban Chỉ đạo họp định kỳ ít nhất 1 lần/năm và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Trưởng ban. Ngoài việc họp trực tiếp để thảo luận, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của thành viên Ban Chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định.
2. Nội dung cuộc họp định kỳ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đề ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban Chỉ đạo; quyết định kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các hoạt động liên quan đến tăng trưởng xanh theo đề nghị của các thành viên Ban Chỉ đạo.
3. Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ từng thời điểm, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có thể đề xuất mời các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo.
…
Như vậy, theo quy định trên thì Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh họp định kỳ ít nhất một năm 01 lần và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Trưởng ban.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động? Được thành lập nhằm mục đích gì?
- Mẫu tổng hợp số liệu về đánh giá xếp loại chất lượng đơn vị và công chức, viên chức, người lao động theo Quyết định 3086?
- Việc thông báo lưu trú có phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú không? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng như thế nào?