Vợ có được hưởng lương hưu của chồng khi chồng chết hay không?
Vợ có được hưởng lương hưu của chồng khi chồng chết hay không?
Trên thực tế rất nhiều trường hợp người lao động đang trong thời gian hưởng chế độ hưu trí thì không may qua đời.Tuy nhiên theo pháp luật hiện hành chưa có quy định thân nhân của người lao động sẽ được nhận thay tiền lương hưu mà chỉ được hưởng các chế độ khác như trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất.
(1) Về trợ cấp mai táng
Căn cứ Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trợ cấp tuất được chi trả một lần cho người vợ để lo mai táng cho chồng với mức chi trả như sau:
Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở tại tháng người chồng chết
Lưu ý, người chồng phải thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vợ mới được hưởng trợ cấp mai táng:
- Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên.
- Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
(2) Về trợ cấp tuất
Căn cứ Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người chồng tham gia bảo hiểm xã hội chết, vợ sẽ được thanh toán trợ cấp tuất 1 lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng. Cụ thể như sau:
a) Trợ cấp tuất hằng tháng:
Theo Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng cụ thể như sau:
- Không có người trực tiếp nuôi dưỡng:
Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở
- Trường hợp còn lại:
Trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở
Lưu ý, để được thanh toán trợ cấp tuất hằng tháng, người chồng tham gia bảo hiểm xã hội và người vợ hưởng chế độ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người chồng đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
- Người chồng đang hưởng lương hưu;
- Người chồng chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Người chồng đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.
- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên.
- Vợ dưới 55 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
b) Trợ cấp tuất 1 lần:
Căn cứ Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
- Chồng đang hưởng lương hưu chết, trợ cấp tuất 1 lần cho vợ như sau:
Mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 x Lương hưu - 0,5 x (Số tháng đã hưởng lương hưu - 2) x Lương hưu
- Trường hợp còn lại:
Mức trợ cấp tuất 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Số năm đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Số năm đóng BHXH từ 2014)
Người vợ được thanh toán trợ cấp tuất 1 lần nếu thuộc một trường hợp sau:
- Có chồng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chết.
- Người chồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chết không thuộc các trường hợp xét hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho vợ.
- Người vợ từ đủ 55 tuổi trở lên đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng có nguyện vọng nhận tuất 1 lần (không áp dụng với trường hợp vợ bị suy giảm từ 81%).
Vợ có được hưởng lương hưu của chồng khi chồng chết hay không? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào được hưởng lương hưu hằng tháng?
Tại Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Và theo quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này.
Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được hưởng chế độ hưu trí trong đó có hưởng lương hưu hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Năm 2024, mức hưởng lương hưu trong điều kiện bình thường là bao nhiêu?
Tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ tính tương ứng với số năm tham gia BHXH. Trong đó, tỷ lệ hưởng tối thiểu là 45% và tối đa là 75%.
Cụ thể, nếu người lao động bắt đầu nghỉ hưu từ năm 2024, tỷ lệ hưởng được tính như sau:
- Với lao động nam: tham gia BHXH đủ 20 năm thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
- Với lao động nữ: tham gia BHXH đủ 15 năm thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?