Tuổi vị thành niên tại Việt Nam là bao nhiêu? NLĐ chưa thành niên có cần sự đồng ý người giám hộ khi đi làm không?
Tuổi vị thành niên tại Việt Nam là bao nhiêu?
Căn cứ theo Quyết định 3261/QĐ-BYT năm 2024 tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - nội dung Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có nêu:
Tuổi vị thành niên (VTN) là thời kỳ phát triển đặc biệt, xảy ra đồng thời nhiều biến đổi nhanh chóng cả về cơ thể cũng như biến đổi tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội. Người cung cấp dịch vụ cần hiểu rõ về các đặc điểm tâm sinh lý và những thay đổi trong độ tuổi này thì mới có thể tiếp cận, tư vấn và cung cấp dịch vụ được cho VTN một cách phù hợp, thân thiện và hiệu quả.
Lứa tuổi VTN tại Việt Nam được coi là từ 10 đến 18 tuổi và chia ra 3 giai đoạn:
+ VTN sớm: từ 10 đến 13 tuổi
+ VTN giữa: từ 14 đến 16 tuổi
+ VTN muộn: từ 17 đến 18 tuổi
Ba giai đoạn phân chia này chỉ có tính tương đối, có thể khác nhau ở từng VTN.
Tuổi vị thành niên tại Việt Nam là bao nhiêu? NLĐ chưa thành niên có cần sự đồng ý người giám hộ khi đi làm không? (Hình từ Internet)
Công việc được sử dụng lao động chưa thành niên làm việc vào ban đêm là gì?
Căn cứ theo Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên
1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo đó, không được sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc vào ban đêm và chỉ được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Cụ thể, căn cứ theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH, chỉ có 02 công việc mà người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được phép làm vào ban đêm gồm:
- Biểu diễn nghệ thuật.
- Vận động viên thể thao.
Như vậy, có 02 công việc được sử dụng lao động chưa thành niên làm việc vào ban đêm là biểu diễn nghệ thuật và vận động viên thể thao. Tuy nhiên, việc làm đêm đối với 02 công việc này chỉ được áp dụng với người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi còn đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi thì sẽ không được làm việc vào ban đêm với bất kỳ công việc nào.
Phạt ít nhất bao nhiêu tiền khi sử dụng lao động chưa thành niên làm việc vào ban đêm trái pháp luật?
Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;
b) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động;
d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật Lao động;
b) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc vào ban đêm hoặc sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc vào ban đêm đối với những công việc không được pháp luật cho phép thì sẽ bị phạt ít nhất là 20 triệu đồng đối với cá nhân và 40 triệu đồng đối với tổ chức (Theo nguyên tắc tổ chức bị phạt tiền gấp đôi so với cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?