Trường hợp nào người lao động được miễn án phí khi khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động?
- Người lao động khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có phải đóng án phí hay không?
- Trường hợp nào người lao động được miễn án phí khi khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động?
- Người lao động đề nghị miễn án phí cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
- Ai có thẩm quyền quyết định miễn án phí cho người lao động?
Người lao động khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có phải đóng án phí hay không?
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 143 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì có 2 loại án phí là án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm
1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
...
Theo đó, người lao động phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động không được chấp nhận. Trừ các trường hợp người lao động được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm
1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
...
Theo đó, nếu người lao động kháng cáo bản án thì phải chịu án phí phúc thẩm nếu Tòa án quyết định giữ nguyên bản án bị kháng cáo. Trừ các trường hợp người lao động được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
Trường hợp nào người lao động được miễn án phí khi khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào người lao động được miễn án phí khi khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
...
Theo đó, người lao động được miễn án phí khi khởi kiện các vấn đề sau:
- Đòi tiền lương;
- Đòi trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc;
- Chế độ bảo hiểm xã hội;
- Đòi tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Yêu cầu giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại;
- Vì bị sa thải trái pháp luật;
- Vì bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Người lao động đề nghị miễn án phí cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Theo đó, người lao động muốn được miễn án phí thì phải làm thủ tục đề nghị miễn án phí, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị miễn án phí;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp miễn án phí.
Đơn đề nghị miễn án phí có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
- Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Người lao động có thể tham khảo Mẫu Đơn đề nghị miễn án phí sau đây. Tải về
Ai có thẩm quyền quyết định miễn án phí cho người lao động?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
Thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí
1. Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.
2. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
3. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.
4. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
6. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.
Theo đó, thẩm quyền quyết định việc miễn án phí như sau:
- Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án.
- Tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?