Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức hằng năm tại TP HCM từ 01/11/2024 như thế nào?
Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức hằng năm tại TP HCM từ 01/11/2024 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 89/2024/QĐ-UBND quy định về tiêu chí chung xếp loại chất lượng viên chức như sau: Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định 90/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND đã nêu rõ các tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức quản lý, viên chức không giữ chức vụ quản lý và viên chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị Cụ thể:
(1) Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức quản lý
- Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
+ Đạt được tất cả tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP.
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công (nếu có) của cơ quan, đơn vị được giao phụ trách đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, cam kết giải ngân trong năm và cao hơn mức giải ngân bình quân của Thành phố (trừ trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng và được cấp có thẩm quyền đồng ý).
- Viên chức quản lý được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
- Viên chức quản lý được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ khi đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 90/2020/NĐ-CP .
- Viên chức quản lý có một trong các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Viên chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị: thực hiện theo Điều 10 Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
(2) Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức không giữ chức vụ quản lý
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ.
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí nêu tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
(3) Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Công chức là đứng đầu cơ quan, đơn vị được xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm theo các tiêu chí như sau:
Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không có trường hợp nào bị kỷ luật.
Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Không có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý có dưới 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức khiển trách và không có trường hợp nào bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ khi đạt được đầy đủ các điều kiện như sau:
- Đạt được tất cả các tiêu chí xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Không có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý không là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý có dưới 03 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức khiển trách hoặc có dưới 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
Được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi có một trong các tiêu chí như sau:
- Không đạt được các tiêu chí để xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên theo Quy định đánh giá xếp loại ban hành kèm Quyết định 89/2024/QĐ-UBND.
- Có cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi phụ trách quản lý xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc các vi phạm khác bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Có tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Có trên 03 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị kỷ luật ở hình thức khiển trách hoặc có từ 02 trường hợp bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo trở lên.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi phụ trách quản lý bị xử lý kỷ luật do vi phạm của các thời kỳ, giai đoạn trước hoặc không liên quan trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì không đưa vào xem xét, đánh giá mức xếp loại chất lượng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
“Kỷ luật” trong Điều này được hiểu là kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm pháp luật, quy định liên quan đến thực thi nhiệm vụ, công vụ được cấp có thẩm quyền giao; không bao gồm việc kỷ luật do vi phạm pháp luật, các quy định khác ngoài phạm vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức hằng năm tại TP HCM từ 01/11/2024 như thế nào? (Hình từ Internet)
Đánh giá xếp loại chất lượng viên chức phải căn cứ vào đâu?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định:
Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
1. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
2. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
3. Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
4. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
...
Theo đó, việc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Lưu giữ tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng viên chức bằng hình thức nào?
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 90/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định:
Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm:
1. Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá.
2. Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có).
4. Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền.
5. Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có).
6. Các văn bản khác liên quan (nếu có).
Ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử, tài liệu quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được lưu giữ bằng 2 hình thức là điện tử và văn bản.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?