Tiền thưởng doanh số có phải đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân không?
Có bắt buộc thưởng doanh số cho người lao động không?
Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó không bắt buộc phải thưởng doanh số cho người lao động. Mà đây là chính sách của doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tiền thưởng doanh số có phải đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền thưởng doanh số có phải tính đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
…
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
…
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).
Và quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH xác định khoản bổ sung khác được tính đóng bảo hiểm xã hội chính là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Trong khi đó, tiền thưởng doanh số được trả theo hiệu quả công việc mà người lao động đạt được.
Mặt khác, không phải tháng nào người lao động cũng đạt doanh số mà mỗi tháng cũng không giống nhau.
Do đó, tiền thưởng doanh số không được tính vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Tiền thưởng doanh số có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về thu nhập chịu thuế của cá nhân:
Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế của cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
...
e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận;
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
- Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân (bố, mẹ, vợ/ chồng, con) của người lao động;
- Khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể;
- Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;
- Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia, phục vụ hoạt động đảng, đoàn, Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước;
- Khoản tiền ăn giữa ca do người sử dụng lao động chi cho người lao động không vượt quá mức quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần;
- Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
...
Tiền thưởng doanh số hàng tháng của người lao động vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?