Tạm đình chỉ công việc có phải là một hình thức kỷ luật lao động hay không?
Tạm đình chỉ công việc có phải là một hình thức kỷ luật lao động hay không?
Hiện nay, pháp luật về lao động không đưa ra khái niệm cụ thể về tạm đình chỉ công việc nhưng có quy định về vấn đề này tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tạm đình chỉ công việc
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
...
Theo quy định này, có thể hiểu đơn giản, tạm đình chỉ công việc là trường hợp người lao động phải ngừng việc tạm thời để doanh nghiệp thực hiện việc điều tra, xác minh vụ vi phạm kỉ luật lao động có tính chất phức tạp do người lao động đó gây ra.
Đồng thời, tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
Theo đó, tạm đình chỉ công việc không phải là một hình thức kỷ luật lao động. Đây cũng không phải thủ tục bắt buộc khi người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động.
Như vậy, việc tạm đình chỉ công việc chỉ là một giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng lao động xác minh chính xác vi phạm mà người lao động gây ra khi mà vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác định vi phạm.
Tạm đình chỉ công việc có phải là một hình thức kỷ luật lao động hay không? (Hình từ Internet)
Khi bị tạm đình chỉ công việc, người lao động có được quyền khiếu nại không?
Tại Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định vấn đề khiếu nại về kỷ luật lao động như sau:
Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trái quy định của pháp luật thì ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định tại Điều 41 của Bộ luật Lao động.
Như vậy, khi bị tạm đình chỉ mà người lao động cảm thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại đến người sử dụng lao động hoặc đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Thời gian tạm đình chỉ công việc có được tính vào thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm của người lao động không?
Tại khoản 10 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, nếu thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động thì thời gian tạm đình chỉ công việc được cộng để tính ngày nghỉ phép năm cho người lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?