Sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự hay không? Các trường hợp được phép sa thải người lao động?
Các trường hợp người sử dụng lao động được sa thải người lao động?
Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự hay không? Các trường hợp được phép sa thải người lao động?
Sa thải người lao động trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự hay không?
Theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 32 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
Như vậy, người nào có đầy đủ những cấu thành tội phạm sau đây sẽ phạm tội sa thải người lao động trái pháp luật:
- Về dấu hiệu khách thể: xâm phạm đến quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, mà cụ thể là quyền được làm việc của công dân.
Đối tượng của tội phạm là người lao động.
- Về dấu hiệu khách quan: người có hành vi sa thải người lao động trái pháp luật (không thuộc trường hợp được áp dụng hình thức sa thải theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019) vì vụ lợi, hoặc động cơ cá nhân.
Hậu quả: khiến người lao động lâm vào tình trạng khó khăn, không có đủ điều kiện kinh tế duy trì cuộc sống, hành vi đe dọa làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần đối với họ.
- Về dấu hiệu chủ quan: Lỗi của người phạm tội sa thải người lao động trái pháp luật là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi sa thải người lao động là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
Động cơ là vì vụ lợi (lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, địa vị trong cơ sở làm việc) hoặc động cơ cá nhân khác (vì tư thù cá nhân).
- Về dấu hiệu chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định, là người đứng đầu trong các doanh nghiệp, công ty hay các trưởng phòng tuyển dụng.
- Khung hình phạt đối với tội sa thải người trái pháp luật: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm
- Khung hình phạt tăng nặng: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
- Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sa thải người lao động trái pháp luật được quy định như thế nào?
Theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
...
Như vậy, tội sa thải người lao động trái pháp luật được xem là tội phạm ít nghiêm trọng và có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?