Những loại báo cáo về phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp vào cuối năm là gì?
- Những loại báo cáo về phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp vào cuối năm là gì?
- Tiêu chuẩn đối với các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ của doanh nghiệp phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên phải đảm bảo những gì?
- Trong quá trình kiểm tra công tác về phòng cháy chữa cháy nếu phát hiện doanh nghiệp làm mất tác dụng của lối thoát nạn sẽ bị xử lý thế nào?
Những loại báo cáo về phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp vào cuối năm là gì?
Tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
...
3. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể:
a) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;
b) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;
...
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định như sau:
Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Định kỳ vào cuối tháng 11 hằng năm, cơ quan, tổ chức, cơ sở đã trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải thống kê, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo các nội dung cơ bản sau:
a) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng (số lượng, chất lượng, chủng loại, nội dung bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị);
b) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
c) Đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
...
Như vậy, những loại báo cáo về phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp vào cuối năm bao gồm:
- Báo cáo kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
- Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Những loại báo cáo về phòng cháy chữa cháy mà doanh nghiệp bắt buộc phải nộp vào cuối năm là gì? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn đối với các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ của doanh nghiệp phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên phải đảm bảo những gì?
Tại tiểu mục 3.2.11 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình có quy định như sau:
3 BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO NGƯỜI
...
3.2 Lối ra thoát nạn và lối ra khẩn cấp
...
3.2.11 Các cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc cửa với kính cường lực.
Các cửa của lối ra thoát nạn từ các khu vực (gian phòng hay các hành lang) được bảo vệ chống khói cưỡng bức phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy.
Đối với các buồng thang bộ, các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa. Ngoại trừ những trường hợp được quy định riêng, cửa của buồng thang bộ phải bảo đảm là cửa ngăn cháy loại 1 đối với nhà có bậc chịu lửa I, II; loại 2 đối với nhà có bậc chịu lửa III, IV; và loại 3 đối với nhà có bậc chịu lửa V.
Ngoài những quy định được nói riêng, các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên (ngoại trừ trong các nhà phục vụ mục đích giam giữ, cải tạo) phải bảo đảm:
a) Tất cả các khóa điện lắp trên cửa phải tự động mở khi hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà bị kích hoạt. Ngay khi mất điện thì các khóa điện đó cũng phải tự động mở;
b) Người sử dụng buồng thang luôn có thể quay trở lại phía trong nhà qua chính cửa vừa đi qua hoặc qua các điểm bố trí cửa quay trở lại phía trong nhà;
c) Bố trí trước các điểm quay trở lại phía trong nhà theo nguyên tắc các cánh cửa chỉ được phép ngăn cản việc quay trở lại phía trong nhà nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:
- Có không ít hơn hai tầng, nơi có thể đi ra khỏi buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác;
- Có không quá 4 tầng nằm giữa các tầng nhà có thể đi ra khỏi buồng thang bộ để đến một lối ra thoát nạn khác;
- Việc quay trở lại phía trong nhà phải có thể thực hiện được tại tầng trên cùng hoặc tầng dưới liền kề với tầng trên cùng được phục vụ bởi buồng thang bộ thoát nạn nếu tầng này cho phép đi đến một lối ra thoát nạn khác;
- Các cửa cho phép quay trở lại phía trong nhà phải được đánh dấu trên mặt cửa phía trong buồng thang bằng dòng chữ “CỬA CÓ THỂ ĐI VÀO TRONG NHÀ" với chiều cao các chữ ít nhất là 50 mm, chiều cao bố trí không thấp hơn 1,2 m và không cao hơn 1,8 m;
- Các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà phải có thông báo trên mặt cửa phía trong buồng thang để nhận biết được vị trí của cửa quay trở lại phía trong nhà hoặc lối ra thoát nạn gần nhất theo từng hướng di chuyển.
CHÚ THÍCH: Đối với các cửa không cho phép quay trở lại phía trong nhà, ở mặt cửa phía hành lang trong nhà (ngoài buồng thang) nên có biển cảnh báo người sử dụng không thể quay trở lại phía trong nhà được khi họ đi qua cửa đó.
Theo đó, các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng đi vào buồng thang bộ của doanh nghiệp phục vụ từ 4 tầng nhà trở lên phải đáp ứng những tiêu chuẩn nêu trên.
Trong quá trình kiểm tra công tác về phòng cháy chữa cháy nếu phát hiện doanh nghiệp làm mất tác dụng của lối thoát nạn sẽ bị xử lý thế nào?
Tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy
1. Các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động:
a) Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ);
b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: Tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản;
...
Theo quy định trên, trong quá trình kiểm tra công tác về phòng cháy chữa cháy nếu phát hiện doanh nghiệp làm làm mất tác dụng của lối thoát nạn mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì doanh nghiệp đó sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?