Người tập sự hành nghề luật sư có được tham gia tố tụng không?
Điều kiện tập sự hành nghề luật sư?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BTP quy định về người tập sự hành nghề luật sư. Cụ thể như sau:
– Người đáp ứng các điều kiện sau đây thì được đăng ký tập sự hành nghề luật sư:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
Có Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật;
Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam hoặc Quyết định công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư.
– Người đang tập sự hành nghề luật sư mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì phải chấm dứt tập sự và không được công nhận thời gian đã tập sự. Người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì không được công nhận thời gian đã tập sự.
Như vậy, để được tập sự hành nghề luật sư thì trước tiên phải là công dân Việt Nam tuân thủ Hiến pháp, có đạo đức tốt và trung thành với đất nước; có bằng cử nhân luật trở lên; phải hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư và đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sự tại Việt Nam.
Người tập sự hành nghề luật sư có được tham gia tố tụng không? (Hình từ Internet)
Nhận tập sự hành nghề luật sư được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2021/TT-BTP, người muốn tập sự hành nghề luật sư lựa chọn và thoả thuận với một tổ chức hành nghề luật sư để tập sự. Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự cử luật sư hướng dẫn và gửi Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hành nghề luật sư cho người tập sự và Đoàn Luật sư ở địa phương nơi đặt trụ sở.
Trong trường hợp người muốn tập sự hành nghề luật sư không thoả thuận được với tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư giới thiệu tổ chức hành nghề luật sư để tập sự.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm phân công một luật sư thành viên của Đoàn là người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư nhận người đó vào tập sự.
Người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư được phân công mà từ chối nhận tập sự khi không có lý do chính đáng thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Thông tư 10/2021/TT-BTP.
Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự bao gồm:
- Văn phòng luật sư, công ty luật; chi nhánh của văn phòng luật sư, công ty luật;
- Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sư tập sự có được tham gia tố tụng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 10/2021/TT-BTP có quy định về quyền của người tập sự hành nghề luật sư như sau: Người tập sự có các quyền sau đây:
- Thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự;
- Được hướng dẫn về các nội dung tập sự, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tập sự;
- Giúp luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012;
- Được tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự và luật sư hướng dẫn tạo điều kiện trong quá trình tập sự;
- Đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn và nơi tập sự trong các trường hợp quy định tại Thông tư này;
- Đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
- Các quyền khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 thì người tập sự được giúp luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc sau:
- Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
- Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
- Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.
Như vậy, người tập sự được luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn nếu được khách hành đồng ý. Người tập sự cũng được đi theo luật sư gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,….và cũng chỉ được phép nếu được người đó đồng ý.
Tuy nhiên, người tập sự hành nghề luật sư không được tham gia tố tụng ở các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nhất là tham gia tại các phiên toà để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?