Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp được không?
Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp được không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
...
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 cũng có quy định:
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
...
Từ các quy định trên, có thể thấy việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là bắt buộc đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu hoặc người lao động làm công việc giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, người lao động có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, người lao động không được thỏa thuận với công ty để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động có hành vi này thì sẽ bị xem là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp được không?
Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 5 và điểm a khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
...
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
...
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
...
Chiếu theo quy định trên, có thể thấy, người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều bị phạt hành chính.
Theo đó, người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Đối với người sử dụng lao động, nếu đồng ý thỏa thuận trên và thực hiện hành vi đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng thì cũng bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là tổ chức (công ty) thì mức phạt là gấp 02 (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH.
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 quy định:
Giải thích từ ngữ
...
4. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
...
Như vậy, có thể hiểu, bảo hiểm thất nghiệp là một chế độ bảo vệ tài chính cho người lao động trong trường hợp họ không còn việc làm.
Chế độ này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian người lao động không có thu nhập mà còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như đào tạo nghề và tư vấn tìm kiếm việc làm cho người lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Chốt lịch chi trả lương hưu tháng 1, tháng 2/2025 nhận gộp vào ngày nào?
- Từ 07/01/2025 chính sách cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 161 của Quốc hội thế nào?
- Toàn bộ bảng lương CBCCVC và LLVT chính thức thay đổi do bãi bỏ mức lương cơ sở khi xây dựng chính sách tiền lương mới đúng không?
- Chính thức chốt tăng lương trong 05 bảng lương của cán bộ công chức viên chức được đề xuất trong trường hợp nào?