Người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản trong trường hợp nào?
Tiền bảo hiểm thai sản tính thế nào khi công ty tăng lương trong thời gian đang nghỉ thai sản?
Tại khoản 6 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Quản lý đối tượng
...
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ghi trên sổ BHXH theo mức tiền lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
...
Như vậy, khi người lao động đang nghỉ thai sản mà công ty có quyết định tăng lương thì những tháng nghỉ thai sản trước thời điểm tăng lương vẫn tính tham gia theo mức lương cũ.
Từ thời điểm tăng lương tới hết chế độ nghỉ thai sản, người lao động sẽ được tính tham gia bảo hiểm xã hội theo mức lương đã được tăng.
Người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Bao lâu thì người lao động được nhận tiền bảo hiểm thai sản?
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động, phía công ty phải có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sau đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ phía công ty, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả tiền bảo hiểm thai sản. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho phía công ty và nêu rõ lý do.
Như vậy, thời gian tối đa để người lao động được nhận tiền thai sản khi nộp đầy đủ hồ sơ cho công ty là 20 ngày.
Người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động khi tham gia BHXH sẽ không được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Trường hợp người lao động không đủ thời gian đóng BHXH theo quy định
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
- Lao động nữ đã đóng BHXH đủ từ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
- Lao động nữ đã đóng BHXH đủ từ 12 tháng trở lên, mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, thì phải đóng BHXH đủ từ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Lao động nữ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Do đó, nếu lao động nữ không đáp ứng điều kiện về thời gian đóng BHXH, thì không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
(2) Trường hợp đóng BHXH tự nguyện không được giải quyết hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 86, 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khác với trường hợp lao động tham gia BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ rõ chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, như sau:
- BHXH bắt buộc có các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất;
- BHXH tự nguyện có các chế độ như hưu trí và tử tuất.
Do đó, khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản khi mang thai, sinh và nuôi con nhỏ.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?