Người lao động được nhận bao nhiêu tiền bảo hiểm thai sản?
Người lao động được hưởng bảo hiểm thai sản mấy lần?
Căn cứ vào quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, không có quy định nào về việc giới hạn số lần được hưởng chế độ thai sản đối với người lao động.
Vì thế, có thể hiểu rằng người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản cho mỗi lần mang thai, sinh con, nhận con nuôi nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội chế độ thai sản, chẳng hạn như đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Căn cứ theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng bảo hiểm thai sản nếu rơi vào một trong các trường hợp sau và phải đáp ứng các điều kiện cụ thể:
- Đối với lao động nữ mang thai: Không yêu cầu thời gian đóng bảo hiểm
- Lao động nữ sinh con: Đóng bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh.
- Trường hợp đặc biệt: Đã đóng bảo hiểm đủ 12 tháng, nghỉ dưỡng thai theo chỉ định y tế: chỉ cần đóng bảo hiểm ít nhất 3 tháng trong 12 tháng trước khi sinh.
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ: Đóng bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận con.
- Người nhận nuôi con dưới 6 tháng: Đóng bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi nhận con.
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai hoặc triệt sản: Không yêu cầu thời gian đóng bảo hiểm.
- Lao động nam có vợ sinh con: đang tham gia bảo hiểm xã hội và có vợ sinh con.
Người lao động được nhận bao nhiêu tiền bảo hiểm thai sản? (Hình từ Internet)
Người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản trong trường hợp nào?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động phải đáp ứng đầy đủ điều kiện thì mới được hưởng bảo hiểm thai sản. Theo đó, sẽ có các trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản như sau:
Một là, người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vì chế độ thai sản nằm trong chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nên nếu không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đương nhiên người lao động không được hưởng bảo hiểm thai sản.
Hai là, không đủ thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản nếu:
- Chưa đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh.
- Trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng, nhưng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ quan y tế mà chưa đóng bảo hiểm ít nhất 3 tháng trong 12 tháng trước khi sinh.
Một số trường hợp đặc biệt, người lao động sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản nếu:
- Đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ: Chưa đóng bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận con.
- Đối với người nhận nuôi con dưới 6 tháng: Chưa đóng bảo hiểm ít nhất 6 tháng trong 12 tháng trước khi nhận con.
Ba là, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất, và không bao gồm chế độ thai sản. Do đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Người lao động được nhận bao nhiêu tiền bảo hiểm thai sản?
(1) Trợ cấp một lần khi sinh con:
Tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Theo đó:
Tiền trợ cấp một lần/con = 02 x Mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là mức tại tháng lao động nữ sinh con)
(2) Tiền hưởng chế độ thai sản:
Tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
...
Theo đó,
Tiền chế độ thai sản 1 tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
(3) Mức tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
Tại khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
...
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính như sau:
Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh/01 ngày = 30% x Mức lương cơ sở
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15, kể từ ngày 01/7/2024 trở đi, sẽ có một quá trình cải cách tổng thể về chính sách tiền lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Từ thời điểm đó, mức lương cơ sở sẽ không còn tồn tại nữa và được thay thế bằng việc thiết lập các chính sách, bảng lương mới với mức lương cơ bản là số tiền lương cụ thể.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể về chế độ thai sản trong quá trình cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2024.
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2024, mức tiền bảo hiểm thai sản 2024 của người lao động cũng sẽ thay đổi, cụ thể là sẽ không thể tính dựa vào mức lương cơ sở như hiện nay nữa.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?