Người lao động có thu nhập thấp nên lựa chọn bảo hiểm vi mô để bảo hiểm sức khỏe?
Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm gì?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có giải thích về bảo hiểm vi mô như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
22. Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Như vậy, bảo hiểm vi mô là một bảo hiểm ra đời với mục đích cốt yếu là hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định đặc điểm của bảo hiểm vi mô theo Điều 144 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô
Sản phẩm bảo hiểm vi mô có các đặc điểm cơ bản sau đây:
1. Được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm;
2. Chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 05 năm;
3. Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm của một hợp đồng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Chính phủ.
Người lao động có thu nhập thấp nên lựa chọn bảo hiểm vi mô để bảo hiểm sức khỏe (Hình từ Internet)
Số tiền bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô
1. Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.
2. Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.
3. Phí bảo hiểm năm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm phải tương ứng với quyền lợi bảo hiểm.
Như vậy, số tiền bảo hiểm mà người lao động có thể nhận được như sau:
Số tiền bảo hiểm sức khỏe tính mạng của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định.
Số tiền bảo hiểm tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định.
Bên cạnh đó, phí bảo hiểm không được vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị.
Từ các quy định trên có thể thấy, bản chất của bảo hiểm vi mô là hướng tới người lao động có thu nhập thấp. Những người khó tiếp cận được những loại bảo hiểm khác. Bảo hiểm vi mô với quy định về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm cũng như các đặt tính của bảo hiểm được đưa ra để phù hợp với tình hình thực tế của người lao động.
Do đó, người lao động thu nhập thấp có thể xem xét, cân nhắc lựa chọn loại hình bảo hiểm vi mô này.
Tổ chức nào được cung cấp bảo hiểm vi mô cho người lao động có thu nhập thấp?
Căn cứ theo Điều 146 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
b) Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
2. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
3. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Người lao động cần lưu ý về những tổ chức được phép cung cấp bảo hiểm vi mô như trên để tránh các trường hợp lừa đảo cũng như mua phải những loại bảo hiểm bất hợp pháp.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?