Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán được hành nghề chứng khoán với tư cách nào?
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán gồm những loại nào?
Tại khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 có quy định như sau:
Chứng chỉ hành nghề chứng khoán
1. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại sau đây:
a) Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán;
b) Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
c) Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
2. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;
b) Có trình độ từ đại học trở lên;
c) Có trình độ chuyên môn về chứng khoán;
d) Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài phải đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam.
3. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Vi phạm quy định tại Điều 12, khoản 2 Điều 98 của Luật này;
c) Không hành nghề chứng khoán trong 03 năm liên tục.
4. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này không được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
...
Theo quy định trên, chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại sau đây:
- Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán;
- Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính;
- Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán được hành nghề chứng khoán với tư cách nào? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán thuộc về ai?
Tại điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán 2019 có quy định như sau:
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán;
b) Tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật;
c) Cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề chứng khoán và giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chấp thuận những thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
...
Theo quy định trên, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán được hành nghề chứng khoán với tư cách nào?
Tại khoản 1 Điều 98 Luật Chứng khoán 2019 có quy định như sau:
Trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán
1. Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam hoặc công ty đầu tư chứng khoán.
2. Người hành nghề chứng khoán không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên;
b) Mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán;
c) Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi mình đang làm việc.
...
Theo quy định trên, người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách:
- Đại diện cho công ty chứng khoán, hoặc
- Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, hoặc
- Chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, hoặc
- Công ty đầu tư chứng khoán.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?